Trong bối cảnh hiện nay, bạn nên gửi tiết kiệm bằng USD hay tiền đồng thì lợi hơn?
Theo lý giải của giới chuyên gia, dựa trên những yếu tố vĩ mô có thể nhìn nhận kênh tiết kiệm VND có ưu thế tương đối so với USD vì những lý do sau.
Thứ nhất, để bảo vệ giá trị tiền đồng, Nhà nước có những chính sách không khuyến khích người dân dự trữ USD. Do đó, Ngân hàng Nhà nước luôn có những giải pháp nhằm ổn định tỷ giá ngoại tệ nên mỗi năm giá USD tăng chỉ 1-2%.
Mặt khác, hiện lãi suất tiết kiệm USD bị khống chế ở mức 0% trong khi tiền đồng từ 6 tháng trở lên được tự do thoả thuận lãi suất có thể lên đến 7-8%, thậm chí 9% một năm.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai nhiều chính sách nhằm giữ chỉ số CPI tăng không quá 5%, và giá trị đồng nội tệ không bị mất giá nhiều. Do đó, gửi tiền đồng phần nào được đảm bảo thực dương lãi suất.
Với những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng USD thì người dân có thể cân nhắc việc đổi USD ra tiền đồng gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất tốt hơn.
Chẳng hạn, với số tiền 100.000 USD, tỷ giá hiện nay dao động 22.820 đồng, đổi tiền Việt tương đương 2,28 tỷ đồng, nhưng nếu gửi ngân hàng bằng USD thì hiện nay mức lãi suất tiết kiệm là 0% một năm, .
Trường hợp gửi một năm, tiền lãi bằng USD khi đáo hạn là 0 đồng. Giả sử lúc đáo hạn tỷ giá tăng 2% lên mức mới 23.276 đồng thì số tiền 100.000 USD quy ra tiền Việt tương đương gần 2,328 tỷ đồng tức tăng được gần 50 triệu đồng (so với số tiền gốc quy đổi tỷ giá ban đầu 2,28 tỷ đồng).
Còn nếu dùng số tiền 100.000 USD đổi ra tiền đồng, tương đương khoảng 2,28 tỷ đồng (100.000 USD*22.820 đồng) để gửi tiết kiệm với kỳ hạn một năm, lãi suất của các ngân hàng dao động 7% mỗi năm. Khi đến hạn, số tiền lãi bạn nhận được vào khoảng 160 triệu đồng (2,28 tỷ*7%/12*12).
Như vậy, gửi tiền đồng thì mức lãi thu về sẽ cao hơn mức sinh lợi so với gửi USD. Tuy nhiên, với trường hợp bạn có nhu cầu dùng USD cho việc đi chữa bệnh, du lịch hoặc gửi tiền cho con học tập ở nước ngoài... có thể tự cân nhắc lại.
Khi đó, bạn có thể chấp nhận lãi suất thấp hơn để gửi USD nhưng lại có nguồn ngoại tệ sẵn để dùng khi cần thiết mà không phải mất công đến ngân hàng làm thủ tục mua.
Nếu gửi tiết kiệm bằng tiền đồng thì bạn sẽ chọn kỳ hạn nào để hưởng lãi tốt nhất?
Hiện nay, loại tiết kiệm được các ngân hàng thiết kế rất nhiều kỳ hạn để người dân linh hoạt lựa chọn. Kỳ ngắn từ một đến dưới 12 tháng; dài trên 12 tháng. Có ngân hàng đang có những sản phẩm tiền gửi chỉ 1, 2, 3 tuần.
Do đó, tuỳ vào tình hình thực tế, trước khi gửi, bạn nên cân nhắc kỹ sẽ gửi kỳ hạn nào là phù hợp nhất. Nếu bạn chưa thu xếp ổn thoả kế hoạch tài chính trong thời gian tới thì chỉ nên gửi kỳ hạn ngắn. Bởi khi gửi kỳ hạn dài lỡ có việc gấp cần rút tiền mà chưa đến thời gian đáo hạn, khoản tiền của bạn sẽ nhận lãi suất không kỳ hạn rất thấp hoặc thậm chí không có lãi.
Với trường hợp không có dự định kinh doanh, làm ăn mà chỉ có nhu cầu gửi tiết kiệm thì nên chọn thời hạn dài và lĩnh lãi cuối kỳ. Bởi hiện các ngân hàng đã được "bật đèn xanh" trong việc thiết lập đường cong lãi suất, tức kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng bị khống chế lãi không quá 5,5%, còn kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được tự do thoả thuận mức hợp lý, có thể lên 7-8% mỗi năm, thậm chí 9% nên khách sẽ có lợi khi gửi dài hạn.
Trong trường hợp bạn vẫn phân vân chưa biết nên chọn kỳ hạn nào thì có thể cân nhắc việc chia nhỏ khoản tiền gửi của mình. Chẳng hạn thay vì gửi cùng lúc 100 triệu đồng theo kỳ hạn một năm, bạn có thể gửi 30 triệu đồng cho kỳ hạn ngắn một hoặc 3 tháng, còn 70 triệu đồng kia thì gửi một năm. Như vậy, bạn sẽ yên tâm nếu có phát sinh ngoài dự kiến cần sử dụng đến tiền thì vẫn có thể linh hoạt xử lý mà không phải rút hết trước hạn và chịu lãi suất không kỳ hạn.
Khi gửi tiết kiệm, bạn lựa chọn ngân hàng theo tiêu chí nào?
Để gửi tiết kiệm, trước tiên bạn nên chọn ngân hàng uy tín, phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, có độ an toàn cao. Để biết được điều này, bạn có thể tham khảo các dữ liệu từ báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm.
Ngoài ra, những ngân hàng có nhiều chi nhánh, mạng lưới hoặc có nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ để triển khai các sản phẩm gửi tiết kiệm online... cũng nên được cân nhắc vì nó sẽ tạo thuận lợi cho bạn khi muốn giao dịch.
Và trong các ngân hàng uy tín, bạn sẽ so sánh mức lãi suất của các sản phẩm, kỳ hạn tương ứng kèm các chương trình khuyến mãi... để lựa chọn ngân hàng tốt nhất.
Theo bạn sản phẩm tiền gửi nào tối ưu nhất?
Tuỳ vào khoản tiền của bạn lớn hay nhỏ, cố định hay có khả năng phát sinh đều đặn, là tiền mặt hay trong tài khoản (được chi trả hàng tháng qua tài khoản ngân hàng),… mà bạn có thể lựa chọn hình thức gửi tiền phù hợp nhất cho mình.
Trường hợp bạn có khoản tiền mặt nhàn rỗi lớn thì có thể gửi theo hình thức tiết kiệm bậc thang để hưởng lãi cao nhất. Còn nếu là khoản tiền nhỏ nhưng phát sinh đều đặn hàng tháng, bạn có thể tham gia sản phẩm tiết kiệm gửi góp để tích lũy dần trong tương lai. Hay với khoản tiền được chi trả hàng tháng qua tài khoản, hãy nghĩ đến tiết kiệm tự động để thuận tiện cho việc gửi tiền…
Ngoài ra, bạn tính toán kỹ các phương thức trả lãi mà ngân hàng áp dụng. Bạn có 2 cách chọn lãi suất: cố định và thả nổi. Lãi suất cố định sẽ được giữ nguyên trong suốt kỳ, lãi sẽ được trả cuối kỳ. Còn lãi suất thả nổi sẽ được điều chỉnh từng quý hoặc từng tháng và tùy theo từng ngân hàng. Bạn có thể chọn cách lãi sẽ được nhập vào vốn hay rút tiền mặt ở mỗi lần nhận lãi. Thông thường thì gửi tiết kiệm nhận lãi cuối kỳ có mức lãi suất tốt hơn.
Hiện nay gửi tiết kiệm có hai cách là tại quầy và trực tuyến, theo bạn gửi cách nào lãi suất cao hơn?
Nếu gửi tiết kiệm trực tuyến ở cùng kỳ hạn, cùng số tiền, thông thường người gửi sẽ được hưởng thêm 0,2% - 0,3% một năm.
Theo lý giải của các ngân hàng, do cắt giảm được chi phí nhân công, giấy tờ, mặt bằng... nên khi gửi tiết kiệm trực tuyến khách hàng sẽ được tặng thêm lãi suất. Ngoài ra, do hình thức ngân hàng điện tử cũng đang xu hướng phát triển chung nên cũng là lý do ngân hàng tặng thêm lãi suất nhằm khuyến khích khách sử dụng.