Tại hội thảo về “Quyền xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng”, do Ngân hàng (NH) Nhà nước tổ chức mới đây, đại diện nhiều NH thương mại cho biết đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình nhận tài sản đảm bảo là nhà ở. Sau khi nhận thế chấp tài sản đảm bảo là nhà ở cho khoản vay thì thời gian giải quyết kéo dài, thời gian thi hành án dài khiến NH thương mại tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu và hoạt động kinh doanh...
Thiếu sự hợp tác từ các bên
Theo Phó thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Kim Anh, việc xử lý hiệu quả tài sản đảm bảo đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận... Hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh.
Hiện có hơn 90% các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, nhưng khâu xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các NH thương mại gặp nhiều vướng mắc đã tác động đến tốc độ xử lý nợ xấu. Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng nếu quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng được thực thi có hiệu lực và hiệu quả, không chỉ bảo vệ lợi ích của người cho vay mà còn bảo vệ cả lợi ích của người đi vay, nền kinh tế. Xử lý được tài sản đảm bảo giúp NH thương mại xử lý được nợ xấu, quan hệ tín dụng với các khách hàng có nợ xấu có cơ hội được phục hồi và cải thiện. Nhưng thực tế, khi các tổ chức tín dụng xử lý tài sản đảm bảo, người đi vay không những thiếu hợp tác, có khi còn chuyển sang đối đầu, thậm chí mâu thuẫn xung đột gay gắt...
Trong tham luận gửi tới hội thảo, luật sư Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH, Hiệp hội NH - cũng nêu rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Cụ thể, vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản thế chấp thông qua tố tụng khi quá trình tố tụng kéo dài, tòa án từ chối thụ lý vụ án do bên bảo đảm vắng mặt khỏi nơi cư trú, cố tình bỏ trốn, cố tính giấu địa chỉ. Một số tòa án địa phương không thừa nhận giá trị chứng cứ, giá trị pháp lý của các hợp đồng, thỏa thuận, tài liệu đã được công chứng, chứng thực... Kết quả là thời gian xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ của NH thương mại kéo dài.
Đại diện NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết có nhiều trường hợp khi NH nộp đơn khởi kiện, mặc dù trong đơn khởi kiện đã ghi rõ tên, địa chỉ của bị đơn, bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng nhiều tòa án yêu cầu phải cung cấp xác nhận của chính quyền địa phương về địa chỉ của tất cả đối tượng này. Tuy nhiên, công an các phường, xã lại không đồng ý xác nhận về nơi cư trú và tình trạng cư trú của khách hàng theo đề nghị của tổ chức tín dụng mà yêu cầu phải có văn bản của tòa án hoặc chính cán bộ tòa án đến đề nghị cơ quan công an mới đồng ý xác minh. Thậm chí một số tòa án yêu cầu tổ chức tín dụng phải xác minh được khách hàng vay không có khả năng trả nợ thì mới thụ lý đơn khởi kiện bên bảo lãnh, bên đảm bảo.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Liên quan đến việc thu hồi nợ qua con đường tòa án, luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia tài chính NH, cho biết chỉ tính từ năm 2005 đến nay, thời hiệu khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp, tranh chấp đòi nợ theo hợp đồng tín dụng đã quá nhiều thay đổi. Nhiều đơn khởi kiện không được tòa án thụ lý hoặc bị đình chỉ vì lý do không xác định được địa chỉ của bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... Theo quy định trong Luật Thi hành án dân sự, tổ chức tín dụng phải đảm nhận trách nhiệm lo cho nơi ăn chốn ở của bên có nghĩa vụ trả nợ (bên thế chấp) nếu đây là nhà ở duy nhất. Nếu phát mại nhà ở có giá trị thấp mà lại phải thuê nhà một năm, đồng nghĩa với việc gần như không thu hồi được vốn.
Do đó, theo luật sư Trương Thanh Đức, cần có văn bản quy định, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc về cơ chế, thủ tục, không chỉ xét xử vắng mặt đương sự như lâu nay mà chấp nhận cả việc hoàn toàn vắng mặt đương sự trong cả quá trình tố tụng. Nhà nước cần tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu bằng chính sách miễn giảm thuế GTGT, thuế thu nhập, phí trước bạ, phí thi hành án, chi phí bố trí nơi ở cho người có nghĩa vụ trả nợ. Và cần có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để giúp xử lý tài sản đảm bảo, xử lý dứt điểm nợ xấu.
Đại diện NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho rằng việc tổ chức tín dụng thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo theo quy định pháp luật nhằm xử lý nợ xấu, cũng là góp phần duy trì, phát triển một nền kinh tế tài chính lành mạnh, bền vững. Nhưng để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đảm bảo quyền xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, nỗ lực riêng của ngành NH là chưa đủ. Quá trình này cần sự tham gia quyết liệt, sự hỗ trợ tích cực hơn từ các cơ quan hữu quan và phải có hành lang pháp lý phù hợp.