Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt 2,03 tỉ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu qua Mỹ và Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của các thị trường. Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong thời gian tới, ngành da giày Việt Nam vẫn cạnh tranh tốt so với Trung Quốc và có nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu ở các thị trường.
Xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh
Trong các thị trường xuất khẩu chính của ngành da giày Việt Nam, Mỹ là một trong những thị trường lớn và còn nhiều cơ hội phát triển. Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giày dép vào Mỹ đạt 653 triệu USD, tăng 8,7%. Trước đó, năm 2016, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam đạt 13 tỉ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ con số này là 4,48 tỉ USD, tăng gần 10% so với năm trước.
Số liệu của Tổng cục Hải quan trong nhiều năm qua cho thấy Mỹ là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu giày dép của Việt Nam. Xuất khẩu nhóm hàng này qua Mỹ luôn chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép cả nước. Trong năm 2016, Mỹ cũng là thị trường lớn nhất nhập khẩu giày dép từ Việt Nam.
Tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam ở TP HCM mới đây, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, cho biết: Xét về thị trường xuất khẩu, Việt Nam hiện đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu giày dép vào Mỹ với mức tăng trưởng 2 con số trong năm ngoái, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ giảm. Do đó, dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị gác lại, ngành da giày Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Bởi yếu tố quyết định tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam vào Mỹ là sức khỏe của nền kinh tế này và tình hình kinh tế thế giới nói chung.
Đồng thời, theo đại diện Lefaso, so với Trung Quốc (hiện là nước xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới), ngành da giày Việt Nam vẫn cạnh tranh tốt về chi phí lao động, GDP bình quân đầu người, chính sách kinh tế và thị trường xuất khẩu. GDP bình quân của Trung Quốc mấy năm qua đã tăng mạnh với mức lương bình quân của người lao động trên 400 USD/tháng/người. Chi phí nhân công tăng nhanh khiến sản xuất giày dép ở Trung Quốc giảm và đơn hàng có xu hướng dịch chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm
Việc Việt Nam đang tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) tăng cường tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Chính phủ Việt Nam thời gian qua cũng có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành da giày.
Ông Phạm Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, cho biết trong năm 2017, định hướng phát triển ngành da giày Việt Nam là tăng trưởng nhanh nhưng phải đảm bảo phát triển bền vững để hội nhập, triệt để khai khác các FTA và mở rộng xuất khẩu ra các thị trường. Lúc này, ngành da giày cũng cần tái cơ cấu theo hướng tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm, nâng tỉ lệ nội địa hóa và chuyển dần từ phương thức gia công đơn giản sang các phương thức khác cao hơn, tăng khả năng thiết kế, tập trung sản xuất sản phẩm trung cao cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng quy hoạch ngành da giày đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với mục tiêu dự kiến đến năm 2025 Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 2 tỉ đôi giày, dép và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 30 tỉ USD. Việc gia tăng sản xuất sẽ khiến nhu cầu về nguyên phụ liệu tăng mạnh nên thời gian tới, Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích DN đầu tư, sản xuất nguyên phụ liệu để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu của ngành.
“Chính phủ khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các nhà máy thuộc da, giả da và Bộ Công Thương cũng đang xem xét dành quỹ đất xây dựng các KCN chuyên ngành cho ngành da giày. Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua các chính sách hỗ trợ về đất đai, phát triển khoa học công nghệ, môi trường, đào tạo nguồn nhân lực... Đổi lại, các DN trong ngành cũng cần liên kết, tăng cường đầu tư công nghệ, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu để Việt Nam trở thành trung tâm lớn về sản xuất da giày của thế giới” - ông Phạm Chí Dũng nhấn mạnh.