Tiền đái tháo đường còn được gọi là biên giới đái tháo đường, kháng insulin, rối loạn dung nạp glucose, rối loạn đường huyết lúc đói, là mức độ đường trong máu cao hơn bình thường; tuy chưa đến mức bị xếp vào bệnh đái tháo đường type 2 nhưng là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh này. Giới y khoa ước lượng có khoảng từ 10%-23% người bị tiền đái tháo đường sẽ phát triển thành đái tháo đường type 2 trong vòng 5 năm. Tiền đái tháo đường còn dễ dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ, cũng như thường kèm theo yếu tố nguy cơ khác như béo phì, cao huyết áp, lượng mỡ trong máu cao (với cholesterol “xấu” cao và cholesterol “tốt” thấp).
Triệu chứng và nguyên nhân
Tiền đái tháo đường thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi trở thành đái tháo đường type 2 hoặc có biến chứng khác như cơn đau tim xảy ra. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân nhận thấy triệu chứng như lượng đường trong máu cao, tiểu nhiều lần hoặc thấy khát nước. Bệnh nhân thường không biết mình bị bệnh trước khi được xét nghiệm máu. Những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tiền đái tháo đường là dư cân hoặc béo phì, ít vận động và tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường type 2. Stress, hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia cũng có thể khiến dễ bị tiền đái tháo đường. Nguy cơ tiền đái tháo đường cũng tăng cao ở những người dùng nhiều đường hoặc uống nhiều nước ngọt. Một khảo sát cho thấy những người uống bình quân từ 1 đến 2 lon nước ngọt mỗi ngày có nguy cơ bị tiền đái tháo đường cao hơn 26% so với người hiếm khi dùng thức uống này. Phụ nữ bị hội chứng đa nang buồng trứng cũng dễ bị tiền đái tháo đường.
Tiền đái tháo đường thường được chẩn đoán thông qua xét nghiệm dung nạp glucose, xét nghiệm mức độ đường trong máu hoặc xét nghiệm A1C - nhằm kiểm tra tỉ lệ phần trăm của protein hemoglobin trong máu. Tiền đái tháo đường được xác định khi kết quả A1C ở mức từ 5,7%-6,4%. A1C tuy là xét nghiệm gián tiếp nhưng đáng tin cậy do đo lượng đường trong máu bình quân trong vòng 2 đến 3 tháng trước đó chứ không chỉ mức độ ngay khi xét nghiệm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng A1C là cách tốt nhất để chẩn đoán đái tháo đường. Tuy nhiên, A1C lại không chính xác đối với một số trường hợp, như ở bệnh nhân bị thiếu máu. Kiểm tra lượng đường huyết lúc đói cũng là biện pháp chẩn đoán, theo đó, mức độ từ 100-125 mg/dL đường trong máu lúc đói hoặc từ 140-199 mg/dL lúc không đói là chỉ số cho thấy tiền đái tháo đường. Tuy nhiên, cần có thêm xét nghiệm tương tự một lần khác nữa để khẳng định sự chính xác.
Trị liệu và kiểm soát
Tiền đái tháo đường thường là vấn đề có khả năng hồi phục qua chế độ dinh dưỡng và luyện tập, chữa trị bằng cách thay đổi lối sống. Một số trường hợp thầy thuốc có thể cân nhắc hỗ trợ bằng thuốc như metformin. Thay đổi lối sống là cách thức chủ yếu để ngăn chặn tiến triển thành đái tháo đường type 2. Một trong những biện pháp cụ thể là vận động bình quân 150 phút/tuần và giảm trung bình từ 5%-7% thể trọng. Thay đổi chế độ ăn bằng cách dung nạp ít thực phẩm chứa đường, dùng thực phẩm chứa carbohydrate từ hạt thô, ít calo và giàu chất xơ, tăng lượng rau quả và hạn chế dùng chất béo bão hòa và thịt chế biến sẵn. Trong một nghiên cứu mang tên Chương trình Phòng tránh đái tháo đường ở Mỹ, những người tham gia được yêu cầu giảm 7% thể trọng và việc duy trì thể trọng đó đã cho thấy những kết quả như: Cắt giảm 58% nguy cơ phát triển đái tháo đường và tỉ lệ giảm ở nhóm người hơn 60 tuổi lên 71%. Ngoài ra, nhóm cao tuổi có thêm nhiều lợi ích khác do thay đổi lối sống.
Nếu biện pháp thay đổi lối sống được tiếp tục duy trì, những xét nghiệm để kiểm soát trong tương lai có thể cho thấy tiền đái tháo đường được kiểm soát tốt và hồi phục. Ngược lại, nếu tình trạng tiền đái tháo đường không đảo ngược và khả năng xấu là bệnh nhân bị đái tháo đường thì những lối sống lành mạnh càng cần được gìn giữ tích cực hơn để diễn biến không quá tồi tệ.
Những yếu tố nguy cơ
- Cao huyết áp.
- Ít vận động thể chất.
- Lượng mỡ trong máu cao.
- Tiền sử lượng đường trong máu cao.
- Gia đình có người bị đái tháo đường.
- Phụ nữ bị đa nang buồng trứng, đái tháo đường khi mang thai hoặc từng sinh con nặng hơn 4 kg.