Trước đây, các chuyên gia về sinh sản khuyến cáo phụ nữ nên mang thai trước độ tuổi 30, nếu không, họ khó có thể thụ thai vì chất lượng cũng như số lượng trứng bị suy giảm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Coimbra ở Bồ Đào Nha cho rằng phụ nữ thụ thai muộn thành công có thể sống lâu hơn. Đó là kết luận từ nghiên cứu được tiến hành dựa trên số liệu về các ca sinh và tuổi thọ của người mẹ từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, bao gồm Anh. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế Công cộng (Mỹ) cho thấy phụ nữ sinh con sau 30 tuổi có khả năng sống lâu hơn những người sinh con trong độ tuổi thiếu niên và độ tuổi 20.
Theo báo cáo, khi tuổi mang thai càng cao thì tuổi thọ của phụ nữ cũng sẽ tăng theo. Nói cách khác, phụ nữ càng sinh con muộn càng có xu hướng sống lâu hơn những người sớm làm mẹ. Nguyên nhân là do các gien cho phép phụ nữ mang thai trễ cũng đem lại lợi ích cho sức khỏe người mẹ. Theo trang Daily Mail (Anh), các chuyên gia của Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết phụ nữ ngày nay có xu hướng sinh con muộn hơn so với các thế hệ trước. Tuổi trung bình của một phụ nữ sinh con đầu lòng tại Anh hiện nay là 30. Cứ mỗi 25 ca sinh ở Anh thì có một trường hợp phụ nữ ở tuổi 40 làm mẹ. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân cụ thể giúp phụ nữ có con muộn sống lâu hơn nhưng một số chuyên gia cho rằng nền tảng cá nhân của họ đóng một vai trò quan trọng. Chuyên gia về sinh sản Lord Winston nhận định: "Có một vài lý do về khả năng này. Phụ nữ sinh con muộn thường có vị trí xã hội cao hơn và có mức thu nhập tốt hơn những người sinh con sớm. Thêm vào đó, những bà mẹ sinh con trễ thường có trình độ học vấn cao, biết duy trì lối sống lành mạnh giúp góp phần kéo dài tuổi thọ". Ông Raj Mathur, cố vấn chính sách Hiệp hội Sinh sản Anh, khuyến cáo: "Điều thú vị là phụ nữ sinh muộn thì có thể sống lâu hơn. Nhưng chúng ta không nên dựa vào điều này để trì hoãn việc sinh con vì những phụ nữ muốn có con ở độ tuổi 30 và 40 thường gặp không ít khó khăn".
Phụ nữ sinh con trong độ tuổi 30 có khả năng sống lâu hơn Ảnh: Shutterstock
Một nghiên cứu khác gần đây được công bố trên Tạp chí Menopause (Mỹ) cho thấy những phụ nữ sinh con muộn sở hữu ADN giúp kéo dài tuổi thọ nhiều gấp 3 lần so với những người mẹ trẻ khác. Các nhà khoa học ở Mỹ tiến hành nghiên cứu trên 400 phụ nữ tuổi từ 70 và tất cả họ đều sinh con út trên 33 tuổi. Họ đo độ dài telomere (được xem là "mũ bảo vệ" của các sợi ADN) của phụ nữ và phát hiện những người có telomere ngắn thì tuổi thọ cũng ngắn. Trong khi đó, những phụ nữ sinh con ở tuổi trung niên thường có telomere dài hơn 2 hoặc 3 lần so với những phụ nữ ngừng sinh con ở độ tuổi từ 29 trở xuống.
Bên cạnh khả năng kéo dài tuổi thọ nhờ sinh con ở độ tuổi trung niên, việc mang thai nói chung còn đem lại một số lợi ích sức khỏe cho người mẹ. Một số phụ nữ sẽ cảm thấy các cơn đau trong kỳ kinh nguyệt chấm dứt sau khi sinh con. Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc mang thai còn có thể giúp chống ung thư vú và buồng trứng. Cho con bú sữa mẹ trong hơn 3 tháng cũng có khả năng làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Dựa trên thực tế là rụng trứng không diễn ra trong suốt 9 tháng của thai kỳ, những phụ nữ rụng trứng ít cũng ít có khả năng bị bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng. Thậm chí, một số phụ nữ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi vóc dáng cải thiện trong quá trình mang thai.