Khó thở không phải lúc nào cũng liên quan đến bệnh tật. Một người bình thường vẫn có thể cảm thấy khó thở sau khi tập thể dục nặng, khi đi lên cao hoặc lúc thay đổi nhiệt độ đột ngột... Tuy nhiên, khó thở thường có thể là hậu quả của tình trạng bệnh tật nào đó, có khi rất nghiêm trọng.
Nhiều nguyên nhân
Người bị khó thở cảm thấy khó thực hiện một hơi thở sâu. Nếu khó thở đột ngột xảy ra, thường gọi là khó thở cấp, có thể xuất hiện từ những nguyên nhân như: Bệnh suyễn, tình trạng lo âu, viêm phổi, bị nghẹn hoặc có vật chặn đường thở, phản ứng do dị ứng, thiếu máu, mất máu nghiêm trọng, phơi nhiễm khí carbon monoxide, suy tim, hạ huyết áp, thuyên tắc phổi, tràn khí màng phổi. Nếu triệu chứng khó thở thường lặp lại trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, gọi là khó thở mạn tính, có thể bắt nguồn từ: bệnh suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim, béo phì, bệnh phổi kẽ (interstitial lung disease). Một số bệnh ở phổi cũng có thể là nguyên nhân gây khó thở gồm: viêm thanh khí phế quản, phổi bị tổn thương hoặc có sẹo trước đó, ung thư phổi, lao phổi, viêm màng phổi, phù phổi, tăng áp phổi. Triệu chứng khó thở cũng có thể liên quan với một số bệnh về tim như: Những bệnh ảnh hưởng đến cơ tim, nhịp tim bất thường, suy tim, viêm màng ngoài tim. Chất ô nhiễm từ môi trường như hóa chất, khói, bụi, khói thuốc lá có thể kích phát hoặc trầm trọng hơn tình trạng khó thở ở bệnh nhân. COPD liên quan tới vài bệnh phổi khác nhau, bao gồm khí phế thủng, viêm phế quản mạn tính... và tất cả các bệnh này đều làm bệnh nhân khó thở hơn.
Trong một số trường hợp, chứng khó thở có nguy cơ đe dọa tính mạng nên cần gặp bác sĩ. Chữa trị cấp cứu là cần thiết nếu bệnh nhân có thêm một trong những triệu chứng như đột nhiên khó thở nặng, mất khả năng hoạt động do khó thở, đau ngực, nôn. Bệnh nhân cần chỉ định của thầy thuốc trong trường hợp khả năng thở sâu bị thay đổi; tiền sử bệnh về hô hấp khiến hoạt động bị giới hạn nhiều hơn; khó thở khi nằm, sưng bàn chân và mắt cá chân, sốt, ớn lạnh, ho và thở khò khè.
Thai phụ có thể nhận thấy triệu chứng khó thở nhẹ do dung lượng phổi trong thời kỳ mang thai có thể giảm đến 20%. Triệu chứng khó thở cũng phát triển theo diễn tiến nặng hơn của bệnh mạn tính và quá trình lão hóa. Đối với trẻ em, bệnh ở đường hô hấp trên có thể nặng đến mức cần điều trị cấp cứu và đa số do khó thở. Viêm tắc thanh quản, dị vật hoặc viêm khí quản cũng là nguyên nhân gây khó thở thường gặp ở trẻ em.
Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ căn cứ vào khám nghiệm để chẩn đoán nhưng bệnh nhân cần mô tả đầy đủ chi tiết giúp chẩn đoán chính xác như: Bắt đầu khó thở ra sao, kéo dài bao lâu, tần suất xảy ra và mức độ nặng như thế nào. Chẩn đoán hình ảnh cũng có thể trợ giúp để đánh giá mức độ lành mạnh của tim, phổi và hệ thống liên quan. Điện tâm đồ có thể chỉ ra khả năng xảy ra cơn đau tim. Xét nghiệm đo lưu lượng không khí và dung tích phổi của bệnh nhân có thể chỉ ra nguồn gốc và phạm vi ảnh hưởng của bệnh về hô hấp. Một số xét nghiệm bổ sung có thể khảo sát mức độ ôxy trong máu.
Việc trị liệu khó thở tùy thuộc vào nguyên nhân gây chứng khó thở mà thầy thuốc cần phải xác định đúng mới điều trị hiệu quả. Nếu khó thở liên quan đến bệnh suyễn, có thể chữa bằng thuốc giãn phế quản và steroid. Khi bệnh nhân bị nhiễm trùng như viêm phổi, kháng sinh sẽ có công hiệu. Trong một số trường hợp cần thiết, thuốc kháng viêm, thuốc trị rối loạn lo âu, thậm chí thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện có thể giúp cải thiện. Khó thở phát xuất từ COPD có thể được cải thiện phần nào nhờ vào kỹ thuật thở đặc biệt như mím môi thở và tăng cường thể dục trợ giúp. Bệnh nhân có thể học tập các biện pháp đó trong chương trình thực hành phục hồi chức năng phổi. Theo trung tâm nghiên cứu Dyspnea Lab, chương trình thực hành này giúp giảm đáng kể triệu chứng, thậm chí khi nguồn gốc gây khó thở vẫn còn. Cũng theo Dyspnea Lab, nhiều người khó thở có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi có luồng không khí mát thổi nhẹ vào quanh đầu và mặt.
Triển vọng trị liệu khó thở cũng tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu những bệnh gây khó thở được điều trị có hiệu quả như trường hợp suyễn, viêm phổi... thì chứng khó thở có thể hết hoặc giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu khó thở xuất phát từ bệnh mạn tính nặng và ngày càng tệ hơn như bệnh tim và COPD, mức độ cải thiện có thể còn hạn chế. Tốt nhất, bệnh nhân nên cộng tác với cơ sở y tế chuyên môn và tuân theo kế hoạch chữa trị hợp lý.
“Giảm cân giúp cải thiện khó thở đáng kể do giảm áp lực lên phổi, tim và làm tăng hiệu quả của tập luyện thể dục; cả hai tác dụng đó đều có thể tăng cường hệ tim mạch và hô hấp, giúp bệnh nhân dễ thở hơn.