Thời tiết miền Bắc thay đổi, ngoài trời mưa phùn, trong nhà cũng ẩm ướt do độ ẩm không khí quá cao gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt của người dân.
Cuộc sống đảo lộn
Chị Nguyễn Thị Hằng - sống ở tầng 1, khu tập thể trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - ngao ngán vì cái mùi “nồng nồng” bốc ra từ chính nhà mình. “Nền nhà “chảy nước” ướp nhẹp, chỉ sơ sẩy là trượt chân ngã; còn tường nhà, tủ lạnh, thậm chí cả đồ gỗ,... cũng “đổ mồ hôi”. Nhiều đồ đạc trong nhà mốc đen vì thời tiết. Chiếc ti vi bật 5 phút mới lên được hình vì ẩm. Ngại nhất là đống quần áo phơi 3-4 ngày chẳng những không khô mà còn bốc mùi hôi rất khó chịu. Chả biết bao giờ mới hết cảnh này” - chị Hằng than thở.
Tại một cửa hàng kinh doanh đồ uống trên phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm, chị Thu Hoài chuẩn bị một mớ giẻ khô để lau dọn cửa hàng. Chị Hoài cho biết dù đã đầu tư chiếc máy hút ẩm nhưng có lẽ do độ ẩm quá cao lại cộng thêm tình trạng mưa phùn kéo dài nhiều ngày qua nên dù lau dọn đồ đạc liên tục cũng không ăn thua.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, tại các cửa hiệu giặt ủi, lượng khách hàng cũng đông hơn hẳn. Anh Hùng - chủ tiệm giặt ủi ở đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai - cho biết các gia đình không chỉ đem chăn, màn và những đồ mùa đông mà cả những quần áo mỏng, đồ mặc hằng ngày cũng mang qua nhờ dịch vụ.
Bùng phát nhiều bệnh
Nhiều bác sĩ cho biết các khoa khám bệnh chuyên khoa nhi và tai mũi họng những tuần qua lúc nào cũng trong tình trạng chật kín do số bệnh nhân tới khám tăng vọt. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhi nhập viện chủ yếu do bị viêm phổi, viêm mũi họng, tiêu chảy, hen phế quản, trong đó có nhiều trẻ dưới 1-2 tháng tuổi. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thời tiết nồm ẩm như hiện nay là môi trường lý tưởng cho virus sinh sôi, phát triển, là những tác nhân khiến trẻ đổ bệnh. Với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà. Đặc biệt là nhóm trẻ dưới 5 tuổi do sức đề kháng, miễn dịch kém nên rất dễ mắc các bệnh về hô hấp.
Tại các phòng khám và cơ sở điều trị cho người lớn tuổi, các bệnh về đường hô hấp, dị ứng... cũng rộ lên vào thời điểm này. Chị Đỗ Minh Hạnh, ở quận Cầu Giấy, cho biết những ngày qua, khắp người chị nổi mẩn, ngứa ngáy khó chịu. Uống thuốc, bôi kem nhưng tình trạng này cũng chỉ giảm được chút xíu. Bác sĩ Đinh Doãn Thạch, Khoa Điều trị Tổng hợp Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho biết thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây ra nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh da liễu. Nhiều trường hợp vào viện khám vì dị ứng thời tiết, viêm da dị ứng, mề đay, lupus ban đỏ, viêm da tiếp xúc do côn trùng, nấm da do mặc quần áo ẩm ướt.
Theo bác sĩ Dũng, hiện tượng trời nồm như hiện nay không chỉ làm không khí ẩm ướt, khó chịu mà chính là môi trường để nấm mốc, virus, vi khuẩn phát triển. Đáng nói, nấm mốc không chỉ thể hiện ở những vết rêu mốc trên tường, sân nhà... mà nó có thể lơ lửng trong không khí mà mắt thường không nhìn thấy được, bám vào quần áo, chăn chiếu, đồ dùng sinh hoạt... Để hạn chế tác nhân gây bệnh, các gia đình cần giữ không gian sống khô thoáng bằng cách sử dùng máy hút ẩm, điều hòa 2 chiều ở chế độ khô, tăng nhiệt độ trong phòng. Không lau nhà bằng khăn ướt mà dùng các khăn cotton thấm hút nước tốt lau khô sàn nhà; thay chăn ra thường xuyên để phòng ẩm, nấm mốc.