Thành mạch chai cứng, lòng mạch máu thu hẹp vì chất mỡ dán chặt vào mặt trong mạch máu là đòn bẩy dẫn đến đủ loại hậu quả nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, thoái hóa võng mạc, hoại tử mô mềm, ung thư.
Thiếu mỡ cũng hại như thừa mỡ
Tình trạng thiếu dưỡng khí tất nhiên càng dễ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa của cơ thể như đầu chi, vùng chậu, ở các mạch máu nhỏ li ti trên não, trên thành tim, trên đáy mắt... Máu càng thừa mỡ, dòng máu càng khó luân lưu vì đậm đặc. Áp lực trên thành mạch bội tăng là lý do gây thuyên tắc hay thậm chí vỡ mạch! Tất cả bắt đầu từ tình trạng chất mỡ tích lũy trong máu.
Sợ tăng mỡ máu vì thế là nỗi lo hợp tình hợp lý. Nhưng nói thế không có nghĩa thiếu mỡ trong máu là tốt. Thiếu mỡ trong máu cũng tai hại như thừa mỡ. Cơ thể không thể tái tạo nhu mô, bảo vệ cấu trúc của dây thần kinh, tổng hợp kháng thể, sản xuất huyết cầu... nếu thiếu chất béo. Phụ nữ trẻ khó tránh rối loạn kinh nguyệt, đàn bà ngấp nghé tuổi trung niên dễ mãn kinh sớm, nam giới chưa quá 50 đã tranh về vườn... nếu thiếu mỡ trong máu. Tỉ lệ người lao phổi, viêm gan, thoái hóa khớp, dị ứng... ở nhóm thiếu mỡ máu thậm chí nhiều hơn số đối tượng có mỡ trong máu cao hơn định mức bình thường. Chuyên gia ngành lão khoa ở CHLB Đức đã xác minh rằng người cao tuổi chậm vướng bệnh Alzheimer nếu đừng thiếu mỡ trong máu. Hiệp hội Bệnh tim mạch ở Mỹ đi xa hơn nữa khi khuyên người lớn tuổi nên thừa chút mỡ máu vì số đối tượng này thậm chí có tỉ lệ tử vong vì nhồi máu cơ tim thấp hơn nhóm đối chứng mình hạc xương mai.
Đừng quên 60% khẩu phần là thực phẩm “xanh” để chất xơ kéo mỡ xuống ruột Ảnh: Hoàng Triều
3 điều chú ý trong dinh dưỡng
Vấn đề chính là làm sao vẫn có mỡ trong cơ thể, vì đó là nguồn dự trữ năng lượng cũng như dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu kiến tạo, miễn đừng thừa. Cholesterol không tự nhiên bỗng có mặt trong máu. Chất béo trong thực phẩm phải được hấp thu trước đó qua đường tiêu hóa rồi mới được gan tổng hợp thành mỡ trong máu. Do đó, siết chặt đầu vào bằng chế độ kiêng khem đến độ mất chất lượng cuộc sống là biện pháp vừa không cần thiết vừa trái với quy luật sinh học. Hơn nữa, đừng quên chất làm tăng mỡ máu ghê gớm lại không phải là mỡ trong thực phẩm mà là tinh bột, đường cát. Cữ béo mà ăn quá ngọt cũng như không. Thêm vào đó, có nhịn mỡ đến phát thèm thì cơ thể vẫn tổng hợp chất béo, lại dễ phản ứng sai lệch nên tổng hợp toàn thứ chất béo tai hại, chất béo gây xơ vữa mạch máu, gây thuyên tắc mạch vành, gây tai biến mạch máu não, như triglyceride, LDL.
Do đó, thay vì khiếp sợ món béo nên tìm cách giữ chất béo của món ăn trong lòng ruột để chất này sau đó theo đường bài tiết trở về với thiên nhiên. Được như thế gia chủ có thể yên tâm thưởng thức món ngon mà không sợ lượng mỡ trong máu bội tăng.
Điều này hoàn toàn khả thi nếu thực khách đừng quên “cài” vào chế độ dinh dưỡng:
- Lượng omega-3 trong cá biển, tuần 3 lần, để tương tranh không cho chất béo thẩm thấu vào máu.
- 60% khẩu phần là thực phẩm “xanh” để nhờ tác dụng cơ học của chất xơ kéo mỡ xuống ruột.
- Kèm theo hoạt chất giải độc định kỳ cho cơ thể với cây thuốc nhuận trường nhuận gan, như atisô, để tải mỡ theo đường bài tiết.
Thuốc hạ mỡ máu, ngay cả trong trường hợp chẳng đặng đừng, vẫn là rủi ro cho người bệnh vì thuốc hóa chất bao giờ cũng là gánh nặng của lá gan, trái thận, khung ruột... của người bệnh đã mệt nhoài trước đó. Giá phải trả cho viên thuốc đã cao, giá phải trả cho phản ứng phụ, cho độc tính của thuốc, còn cao hơn nhiều!
Bác sĩ Lương Lễ hoàng