Không điểm tâm, không lót lòng dễ gì êm xuôi. Nên nhớ là cơ thể rất dễ phản ứng sai lệch dưới dạng rối loạn biến dưỡng khi thiếu năng lượng. Không thiếu người thậm chí ăn chay trường nhưng lại vướng bệnh gút vì tăng axít uric trong máu do cơ thể tự phân hủy chất đạm.
Đừng quên bữa ăn sáng
Nói chung, người muốn khỏe mạnh cần ngày đủ 3 bữa ăn. Nếu thêm 1-2 lần ăn xế, ăn vặt càng tốt, nếu được với món ăn dồi dào chất kháng ôxy hóa, sinh tố, khoáng tố càng hay, nhất là khi cơ thể có nhu cầu kiến tạo vì lao tâm, lao lực, vì bệnh mạn tính, vì suy dinh dưỡng...
Nếu đặt câu hỏi thiếu bữa ăn nào bất lợi nhất cho sức khỏe thì ít ai ngờ bữa ăn sáng chính là đáp án chính xác. Theo các nhà nghiên cứu về dinh dưỡng ở Đại học Y Paris, bữa ăn sáng sở dĩ tối cần thiết cho sức kháng bệnh là vì:
- Cơ thể có nhu cầu phục hồi rất cao sau khi thức dậy vì đã tiêu dùng hầu hết năng lượng lẫn chất kiến tạo để tổng hợp kháng thế, huyết cầu... trong lúc gia chủ đang ngủ.
- Cơ thể cần bổ sung ngay nguồn dưỡng chất dự trữ để gia chủ đừng hết “pin” đột ngột trong giờ làm việc buổi sáng.
Đó là lý do tại sao người không ăn sáng, nhất là khi chỉ uống cà phê, dễ bị tụt đường huyết, hạ canxi, tụt huyết áp, chóng mặt, đau đầu, mất khả năng tập trung... trước khi đến giờ nghỉ trưa.
Xa hơn nữa, chuyên gia Pháp, sau khi so sánh và đánh giá tác dụng dinh dưỡng của nhiều kiểu ăn sáng, đã quả quyết là bữa điểm tâm với món có nước là hình thức thích hợp nhất để đánh thức sức đề kháng khi chào ngày mới. Phở, bún bò, bánh canh... của người Việt vì thế bất chiến tự nhiên thành!
Tuy vậy, nếu phân tích cách ăn sáng của người mình, vẫn còn vướng mắc vài nhược điểm. Đó là nhiều người không có thói quen uống sữa. Phần lớn lại ít dùng trái cây như món tráng miệng cho bữa điểm tâm trong khi cơ thể rất cần một số sinh tố để hệ thần kinh sẵn sàng vào cuộc như sinh tố C và nhóm sinh tố B.
Sắp xếp sao cho còn thời gian ăn sáng có khó lắm không?