GS-TS Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hơn 40.000 người tử vong tại Việt Nam hằng năm, tương đương khoảng 100 người chết mỗi ngày.
Đổ tiền tỉ mua… bệnh
Con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm vào năm 2030 theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo GS Châu, so sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm do các bệnh gây ra do thuốc lá rất cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc lá bị chết sớm do hút thuốc lá và một nửa trong số này đã chết ở tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 đến 20 năm cuộc sống. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Những chất độc trong thuốc lá khiến thuốc lá là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... cho cả người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động. Thống kê tại BV K trung ương, trong số những bệnh nhân ung thư khoang miệng, hạ họng... đang điều trị tại Khoa Ngoại Đầu cổ của BV này, 70%-80% người có tiền sử hút và nghiện thuốc lá. Bệnh nhân tái phát ung thư phần lớn cũng rơi vào những đối tượng từng hút thuốc lá. Các bác sĩ nơi đây cho biết người có tiền sử hút thuốc lá thì thời gian tái phát của bệnh thường nhanh hơn, mức độ nặng hơn nên chi phí điều trị rất tốn kém.
Ước tính mỗi năm ở Việt Nam đã phải bỏ chi phí hơn 23.000 tỉ đồng để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tuy nhiên, người Việt vẫn dành ra 22.000 tỉ đồng mua thuốc hút mỗi năm.
Cai nghiện thuốc lá qua tổng đài tư vấn
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết một thử nghiệm do WHO thực hiện với 400 điếu thuốc cho thấy tác hại của thuốc lá đến phổi vô cùng khủng khiếp. Khi đốt hết 150 điếu thuốc thì màu nước trong bình (tượng trưng cho lá phổi con người) đã chuyển từ trắng trong sang vàng như nước chè pha loãng. Khi đốt đến điếu thứ 380 thì nước đã chuyển thành đen đặc như cà phê do thấm nhựa và sau 400 điếu thì đen kịt như nước cống. Sau khi tiến hành đun chỗ nước này lên, các nhà khoa học thu lại được 7,2 g nhựa, rất dính và đắng. Giới chuyên môn cảnh báo với hàng ngàn chất hóa học, chất gây ung thư trong khói thuốc lá, đây được coi là “sát thủ” thầm lặng. Cho đến nay chưa có một sản phẩm tiêu dùng hợp pháp nào lại giết chết nhiều người và chết một cách vô ích như thuốc lá.
Trước thực tế này năm 2015, nhiều biện pháp can thiệp nhằm giảm tỉ lệ người hút thuốc lá đã được Bộ Y tế thực hiện, trong đó Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã phê duyệt chương trình phòng chống tác hại thuốc lá tại BV Bạch Mai. Tại đây đã thành lập Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí qua đường dây điện thoại 1800.6606 với các mục tiêu: Giải đáp các câu hỏi liên quan đến thuốc lá, tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Sau 1 năm hoạt động, tổng đài đã tiếp nhận khoảng 12.000 cuộc gọi. Đánh giá hiệu quả tư vấn của tổng đài trên các đối tượng liên lạc lại được cho thấy tỉ lệ người đã bỏ thuốc lá trong số các đối tượng này chiếm 30,7%, các đối tượng sau tư vấn cố gắng tự bỏ thuốc mà không sử dụng bất kỳ biện pháp hỗ trợ nào khác.
2,5 triệu công nhân được tuyên truyền về tác hại thuốc lá
Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết thời gian qua, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam thường xuyên có các buổi tuyên truyền, trao đổi trực tiếp với các CNVC-LĐ về tác hại của thuốc lá, ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe của người hút thuốc và những người xung quanh. Đến thời điểm này đã có hơn 8.000 CNVC-LĐ bỏ thuốc lá, khoảng 100.000 CNVC-LĐ giảm thuốc lá và 2,5 triệu CNVC-LĐ được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cũng như những quy định cơ bản trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.