Ý thức của người dân chưa cao
Tuần qua, Liên minh Vận động phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD) và Tổ chức HealthBrigde (Canada) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong vận động phát triển chính sách PCTHTL và rượu bia. Tại hội thảo, báo cáo cho biết năm 2015 cho thấy Việt Nam là một trong 15 nước có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á có người sử dụng thuốc lá nhiều nhất.
Cụ thể, tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá là 47,7%, tỷ lệ phụ nữ hút thuốc ở Việt Nam là 1,4%, tương đương với 15,3 triệu người. Tức là cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì lại có 1 người hút thuốc. Tỉ lệ hút thuốc lá trong nhóm thanh thiếu niên (từ 13-15 tuổi) đã giảm nhưng vẫn còn cao (năm 2014 là 2,5%).
Bà Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế, lưu ý điều đáng buồn là tỉ lệ người hút thuốc lá thụ động ở Việt Nam rất cao. Hơn 67% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà (khoảng 33 triệu người); 56% bị phơi nhiễm tại nơi làm việc (khoảng 5 triệu người). Như vậy, cộng cả người hút thuốc và người hút thuốc lá thụ động, ước tính có đến hơn 50 triệu người Việt Nam đang phải gánh hậu quả nặng nề của khói thuốc. “Như vậy, số người bị phơi nhiễm khói thuốc gấp 2,5 lần so với số người hút thuốc. Cứ 1 người hút thì có gần 3 người bị phơi nhiễm khói thuốc lá” - bà Hải nói. Theo bà Hải nhận định, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác PCTHTL, tuy nhiên, tình hình sử dụng thuốc lá trong dân vẫn còn cao, ý thức của người dân còn hạn chế.

Công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá cần có sự chung tay vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội
Cần có chính sách riêng cho CSOs
Đánh giá về vai trò của CSOs tại Việt Nam, TS Trần Tuấn - Trưởng Ban Thường trực hành động EBHPD cho biết mạng lưới CSOs tại Việt Nam rất đa dạng. Từ các tổ chức chính trị - xã hội (hội phụ nữ, hội nông dân, Công đoàn…), tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức nghiên cứu vận động chính sách và tổ chức tự thân xuất phát từ cộng đồng. Đây chính là mạng lưới, với nhiều “tai mắt” trong cộng đồng có thể đóng góp rất nhiều vào hoạt động PCTHTL, rượu bia.
Chia sẻ kinh nghiệm ở Thái Lan, bà Bungon Ritthiphakdee, Giám đốc Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), cho biết Thái Lan có nhiều tổ chức hoạt động PCTHTL như: Tổ chức hành động vì sức khỏe và PCTHTL (ASH Thailand); Hiệp hội Mạng lưới PCTHTL; Liên minh Y tế về PCTHTL; Mạng lưới Thành phố không khói thuốc; Hiệp hội Y tế Thái Lan, Tổ chức Lá xanh; Người bạn của phụ nữ, đường dây hỗ trợ cai nghiện thuốc lá… Các tổ chức này có vai trò vận động chính sách, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng, tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ có nhiệm vụ thực thi công tác PCTHTL; giám sát ngành công nghiệp thuốc lá; xây dựng mô hình thành phố và cộng đồng không khói thuốc, làm dịch vụ cai nghiện thuốc lá…
Để đẩy mạnh hoạt động PCTHTL và lạm dụng rượu bia, các đại biểu hội thảo thống nhất với định hướng CSOs trong thời gian tới tiến hành vận động Chính phủ theo hướng bên cạnh phát triển chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá, rượu bia, cần tạo môi trường rộng mở về cơ chế và tài chính cho các tổ chức CSOs cùng tham gia với nguồn kinh phí ổn định trích từ thuế thuốc lá, rượu bia.
Bài và ảnh: Hải Anh