Trong khi đó, triệu chứng của ung thư lưỡi khá nghèo nàn nên nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh khi lưỡi đã có tổn thương nặng nề.
Cẩn thận với dấu hiệu khó ăn, khó nói
Khoảng 1 năm trước, ông Nguyễn Văn Q. (48 tuổi, quê Nghệ An) có cảm giác xương dăm trong lưỡi nhưng sờ không thấy, cứ nghĩ nguyên nhân do chứng nhiệt miệng mà thi thoảng lại "làm khó" mình nên ông ăn đủ các loại đồ mát rồi chữa mẹo. Thế nhưng, cái cảm giác khó chịu ở sàn lưỡi vẫn không hết. Gần đây thấy lưỡi đau thường xuyên khiến ông "ăn không ngon, ngủ không yên". Lúc này, ông Q. mới đi khám thì phát hiện ung thư lưỡi phải cắt 1/3 lưỡi và xạ trị khối u. Ông được bác sĩ tiến hành xạ trị và điều trị hóa chất. Đến nay, bệnh đã được kiểm soát song nguy cơ tái phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện (BV) K trung ương cũng phẫu thuật cho một bệnh nhân nam là Hoàng Ngọc D. (42 tuổi, ngụ Hà Nội) bị ung thư lưỡi và sàn miệng. Bệnh nhân cho biết anh có tiền sử sức khỏe rất tốt, tuy nhiên, trước khi đến BV K trung ương thăm khám khoảng 1 tháng, bệnh nhân D. bỗng thấy bên trái sàn miệng có khối u khiến việc ăn, nói, nuốt... rất khó chịu. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng liên quan, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u sàn miệng bên trái với kích thước 3 x 3,5 cm, cứng, chắc, thể thâm nhiễm, sát lợi hàm và xâm lấn vào mặt dưới lưỡi. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy vùng sàn miệng bên trái của bệnh nhân có khối kích thước 21 x 24 x 36 mm, hạch dưới hàm hai bên kích thước 12 mm. Sinh thiết khối u làm giải phẫu bệnh cho kết quả là ung thư biểu mô tế bào vảy xâm nhập giai đoạn 2.
Bác sĩ Dương Mạnh Chiến, Khoa Điều trị A BV K trung ương, cho biết với tình trạng bệnh phát hiện tương đối sớm, kíp phẫu thuật với bác sĩ nhiều chuyên khoa đã phẫu thuật kết hợp tạo hình cho bệnh nhân D. Theo đó, bệnh nhân đồng thời được cắt khối ung thư sàn miệng trái và 1/2 lưỡi sau đó tạo hình bằng vạt đùi trước ngoài vi phẫu cho nam bệnh nhân bị khối ung thư sàn miệng. Đến thời điểm này, sau hơn 1 tháng điều trị, lưỡi của bệnh nhân đã có hình dáng như bình thường, việc ăn, nói, nuốt diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị theo phác đồ xạ trị phối hợp sau mổ.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên chủ quan nếu thấy dấu hiệu nhiệt miệng, khó ăn kéo dài
Thủ phạm đầu bảng là rượu và thuốc lá
Theo các bác sĩ, ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở vùng khoang miệng và hay gặp ở nam giới từ 40-60 tuổi. Thống kê tại BV K cho thấy những năm gần đây, số ca ung thư lưỡi tăng gấp đôi và rất nhiều người lại không biết về bệnh này. Các nghiên cứu cho thấy không chỉ trên thế giới mà cả Việt Nam bệnh ung thư lưỡi ở người trẻ tuổi ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân được đề cập nhiều để giải thích ung thư lưỡi có khuynh hướng tăng ở người trẻ là do lối sống như hút thuốc, uống rượu sớm hơn và nhiều hơn.
GS-TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu BV Bạch Mai, cho biết hầu hết các trường hợp ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân gây bệnh nhưng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh bao gồm: hút thuốc lá, uống rượu, nhai trầu, tình trạng vệ sinh răng miệng kém, nhiễm virus HPV, chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D và khoáng chất.
Theo GS Khoa, ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có cảm giác có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh nên người bệnh dễ bỏ qua triệu chứng này. Tiếp đến lưỡi có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc vết loét nhỏ; tổn thương chắc, rắn. Giai đoạn muộn hơn, người bệnh đau nhiều khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói. Bệnh nhân có thể sốt do nhiễm trùng, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh. Triệu chứng đau điển hình là tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai, tăng tiết nước bọt, nhổ ra nước bọt lẫn máu, khó nuốt; vết loét phát triển nhanh, gây đau dữ dội, bội nhiễm, có mùi hôi, dễ chảy máu...
Giới chuyên môn khuyến cáo nghiên cứu chỉ ra rằng những người thường xuyên hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, lưỡi cao hơn nhiều so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra, người uống rượu, bia có nguy cơ mắc ung thư lưỡi cao hơn người bình thường. Có khoảng 70%-80% bệnh nhân bị mắc ung thư lưỡi đều là những người nghiện bia rượu. Cùng đó, tình trạng vệ sinh răng miệng kém cũng được coi là thủ phạm. Trong khi đó, do bệnh có những dấu hiệu khá giống với chứng nhiệt miệng nên nhiều người lầm tưởng họ chỉ bị nhiễm trùng miệng, nhiệt miệng đơn giản nhưng đó lại là dấu hiệu của ung thư lưỡi. Thậm chí triệu chứng của ung thư lưỡi nghèo nàn nên 90% bệnh nhân đến BV khi bệnh đã ở giai đoạn toàn phát, lưỡi có tổn thương nặng nề.
Nhiệt miệng 3-4 tuần cần đi khám
Các chuyên gia về ung thư khuyến cáo nếu điều trị ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu, tỉ lệ sống khỏe sau 5 năm lên đến 85%. Khi khối u đã xâm lấn, lan rộng thì tỉ lệ sống chỉ còn dưới 50%. Bởi vậy, khi phát hiện một vết loét trong miệng, cho dù có liên quan với chấn thương hay bệnh viêm loét miệng hay không nhưng sau khoảng 3-4 tuần không thấy đỡ cần đến bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc các bác sĩ răng hàm mặt để khám xác định bệnh.