Năm 2002, TS Phan Thuận Thảo, lúc bấy giờ là cô nữ sinh mới tốt nghiệp, giữ vị trí cán bộ nghiên cứu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Tuy vậy, chị bất ngờ được giao nhiệm vụ tham gia vào nhóm làm hồ sơ trình UNESCO để đưa Nhã nhạc trở thành Di sản thế giới. Ông Thái Công Nguyên, lúc đó là giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và GS-TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam là hai cán bộ tín nhiệm chị Thảo, dù được cho là quyết định liều lĩnh khi đó. Sự cặm cụi của chị và nhóm làm hồ sơ đã được đền đáp vào một tối mùa đông năm 2003 - khi Nhã nhạc Cung đình Huế chính thức trở thành Di sản Văn hoá Phi vật thể của nhân loại, công nhận bởi UNESCO.
Cảm xúc tự hào của chị Thảo được nối dài 20 năm sau đó, khi chị tiếp tục góp phần bảo tồn và phát triển âm nhạc quê hương với vai trò Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và bảo tồn Âm nhạc Huế. Tháng 5-2022, TS Phan Thuận Thảo trở thành cố vấn chuyên môn cho Ngân Nga Việt Nam - chiến dịch quảng bá du lịch thông qua âm nhạc truyền thống của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và TikTok.
Hoan nghênh "làm mới" song song với bảo tồn âm nhạc truyền thống
20 năm nghiên cứu, gắn bó với âm nhạc cổ truyền, chị Thảo bộc bạch "Điều cốt lõi ở đây là các bạn trẻ Việt chưa có cơ hội tiếp cận nhiều đến những cái hay, cái đẹp của âm nhạc nước nhà. Và khi không hiểu về điều gì, chắc chắn các bạn sẽ không thể yêu thích điều đó. Ngân Nga Việt Nam là một chiến dịch vô cùng ý nghĩa để đưa các bạn đến gần hơn với âm nhạc dân tộc. Với những người làm nghề như tôi khi bản thân được được chia sẻ, lan toả niềm đam mê của mình đến với nhiều bạn trẻ hơn thì cũng là một vinh dự".
TS. Phan Thuận Thảo tại sự kiện Ngân Nga Việt Nam ngày 30-8
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch, TS. Phan Thuận Thảo cố vấn cho phần lời ca, hình ảnh Ca Huế của MV "Ngân Nga Việt Nam" - bản phối từ 3 làn điệu Quan họ, Cải lương và Ca Huế bởi Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang. MV có giai điệu mạnh mẽ, tươi mới nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc, tinh tuý của các làn điệu truyền thống - mà theo chị Thảo, là một điều đáng mừng khi âm nhạc truyền thống tiếp tục được vang lên ở một dạng thức mới.
Chị Thảo lưu ý với những nghệ sĩ, nhà sản xuất khi "làm mới" âm nhạc cổ truyền cần có quá trình tìm tòi những nét độc đáo để phát huy, phát triển chúng. Khi có độ hiểu biết nhất định thì tác giả mới có thể sáng tạo những tác phẩm có giá trị với thời gian, giúp âm nhạc quê hương mang được hơi thở thời đại.
"Với âm nhạc cổ truyền, bảo tồn phải đi kèm với phát huy và phát triển. Vấn đề là chúng ta phải xác định rõ đâu là những phiên bản phối mới mang hơi thở thời đại, đâu là những bài bản cổ truyền để tránh gây hiểu nhầm. Đối với những người thực hiện việc "trẻ hoá" nhạc xưa bằng các hình thức như remix hay cover, bản thân tôi ủng hộ việc làm của các bạn, mặt khác tôi cũng muốn bảo tồn âm nhạc cổ truyền. Sự sáng tạo là khôn cùng, và tôi hoan nghênh các bạn tạo ra sản phẩm mới dựa trên chất liệu truyền thống. Khi các ca khúc remix hay cover được phát lên, tức là một phiên bản mới của âm nhạc truyền thống được sống. Âm nhạc thì phải sống trong xã hội, phải được vang lên, phải có người nghe" - TS Phan Thuận Thảo chia sẻ.
Nền tảng số là cơ hội
Khai thác yếu tố văn hoá để quảng bá du lịch là hình thức phổ biến trên thế giới, không chỉ Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ hoá, các quốc gia sở hữu nền văn hoá trù phú như Việt Nam, nếu biết tận dụng sẽ mang lại đa lợi ích.
Theo TS Phan Thuận Thảo, việc đưa âm nhạc cổ truyền phục vụ du lịch không phải là cách làm mới và không dễ dàng thực hiện. Bởi lẽ du khách trong và ngoài nước khi nghe âm nhạc truyền thống với tâm thế không phải "dân trong ngành" để thẩm thấu hay chưa được cung cấp các thông tin về âm nhạc sẽ rất khó để họ cảm nhận và hiểu rõ những cái hay, cái đẹp.
Bài hát Ngân Nga Việt Nam đã được phát hành trên TikTok
"Chúng ta cần có cách thức quảng bá phù hợp, lựa chọn những nét đặc sắc nhất, hấp dẫn nhất để giới thiệu. Điều này cần có sự hợp tác giữa các chuyên gia, nhà sản xuất, người biểu diễn, các công ty du lịch, các nền tảng số, đơn vị truyền thông để đưa tinh thần của âm nhạc cổ truyền tới khách du lịch một cách trọn vẹn nhất" - TS Phan Thuận Thảo.
Từ đây, chị Thảo nhìn nhận TikTok là một nền tảng tiềm năng để quảng bá tinh thần quê hương: "Việc quảng bá, truyền đạt trước thông tin sẽ đạt hiệu quả tối đa thông qua thông tin đại chúng. Các nền tảng số như TikTok sẽ giúp du khách có thêm ý tưởng, hình dung về loại hình mà họ sắp thưởng thức. Khi có được những thông tin trước như vậy, họ sẽ có ý niệm để tìm hiểu kỹ hơn, sâu sắc hơn về nét văn hoá này".