BHXH Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu; phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác KCB BHYT. Tại hội nghị, đại diện BHXH tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên (thuộc cụm 4) cho biết từ đầu năm đến nay, các địa phương nói trên đã tích cực thực hiện các chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, với những cách làm hay, sáng tạo đã thu hút số lượng lớn người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu
Nói về những khó khăn, ông Thiều Quang Ngãi, Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, cho biết theo kế hoạch được giao năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng hơn 3.300 người nhưng các DN trên địa bàn không tăng. Riêng BHXH tự nguyện tăng hơn 10.000 người nhưng thực tế tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tháng 12-2021 ở mức thu nhập dưới 1.500.000 đồng chiếm tới 71,4%, nên khi mức chuẩn nghèo năm 2022 tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng, người dân không có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, dẫn đến số người tham gia giảm mạnh. "Mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng với tình hình mới nhưng do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nên công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn" - ông Ngãi cho biết.
Tương tự, trong 7 tháng đầu năm 2022, BHXH tỉnh Lào Cai vận động mới được 2.064 người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên số người không tiếp tục tham gia lên tới 2.356 người. Theo ông Đường Minh Tấn, Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương có tăng nhưng tỉ lệ còn thấp, do người dân có mức thu nhập thấp, không ổn định. Hơn nữa, việc thay đổi mức chuẩn nghèo mới dẫn đến nhiều trường hợp trước kia tham gia theo chuẩn nghèo cũ không tiếp tục theo hoặc tạm dừng tham gia.
BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác ngành
Tại buổi làm việc, các địa phương cũng nêu một số khó khăn khác như: xuất hiện tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở KCB BHYT; số chi KCB BHYT đang tăng cao trong các tháng cuối năm 2022 và tăng so với các năm trước; hoạt động giám định còn gặp một số khó khăn; địa phương không tổ chức đấu thầu tập trung vật tư y tế, nên không có sự thống nhất giá giữa các cơ sở KCB, dẫn đến theo dõi và quản lý thanh toán gặp nhiều khó khăn…
Thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ BHXH
Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), cho rằng nếu tất cả đơn vị sau thanh tra ban hành quyết định xử phạt hành chính, thì tỉ lệ thu hồi nợ BHXH, BHYT có thể đạt gần 80%. Vì vậy, ông Hào đề nghị các địa phương cần phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác thanh tra; chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế về trao đổi dữ liệu và rà soát, phát triển BHXH, BHYT hiệu quả.
Cùng đó, ông Tô Hồng Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT (BHXH Việt Nam), cũng đề nghị BHXH các địa phương cần chủ động thực hiện tốt Quy trình giám định BHYT, bảo đảm thanh toán chi phí KCB BHYT đúng quy định; khai thác triệt để các thông tin trên phần mềm giám sát và CSDL tập trung để kịp thời kiểm tra, rà soát tại các cơ sở KCB có gia tăng chi phí đột biến, bất thường, từ đó có các cảnh báo trên Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng do khối lượng công việc trong những tháng cuối năm rất lớn nên nếu không tập trung và nỗ lực cao, BHXH các địa phương sẽ khó có thể hoàn thành. Vì vậy, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các địa phương thuộc cụm số 4 cần chủ động cập nhật, hoàn thiện CSDL về số đơn vị, số NLĐ chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc để xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển. Đồng thời, mở hội nghị tư vấn, đối thoại với đơn vị chưa đóng, đóng chưa đầy đủ BHXH, BHYT bắt buộc cho NLĐ. Cần phối hợp nhịp nhàng với các sở, ngành tại địa phương có dữ liệu về đối tượng tiềm năng, từ đó khéo léo tận dụng, khai thác hiệu quả. Riêng đối với BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, các địa phương cần mở rộng tổ chức dịch vụ thu, tạo điều kiện để các tổ chức này phát triển và trở thành cánh tay nối dài của ngành.
Về công tác thu hồi nợ đọng, ông Liệu đề nghị BHXH các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thanh tra đột xuất các đơn vị, DN nợ đọng, đặc biệt là các đơn vị có số nợ lớn. Đồng thời kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý; kiên quyết phối hợp xử lý, chấn chỉnh các cá nhân, đơn vị vi phạm chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Ngoài ra, cần hoàn thiện các quy trình giám định, hạch toán quỹ, đánh giá toàn diện về việc sử dụng vật tư y tế; có phương thức quản lý, giám sát những cơ sở KCB có dấu hiệu trục lợi quỹ BHYT. Khi phát hiện những vi phạm, vướng mắc, cần nhanh chóng báo cáo, xử lý triệt để.