Sự cần thiết của việc đào tạo các phóng viên và cán bộ truyền thông trẻ
Theo Báo cáo "Tình hình thực hiện pháp luật và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020" của Chính phủ Việt Nam, các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới được thực hiện khá tốt, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền và người dân về bình đẳng giới.
Tuy nhiên, báo cáo này và nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ở tất cả các lĩnh vực và các vùng miền ở Việt Nam. Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là do nhận thức và năng lực hành động về giới và bình đẳng giới còn hạn chế, như: i) Định kiến giới còn khá nặng nề; ii) Thiếu hiểu biết về bản chất mang tính hệ thống của sự phân biệt đối xử, cấu trúc quyền lực và chế độ gia trưởng; iii) Thiếu kiến thức và kỹ năng để xóa bỏ bất bình đẳng giới…
Các phóng viên và cán bộ truyền thông trẻ trong một tập huấn về giới và bình đẳng giới
Các phóng viên và cán bộ truyền thông với những sản phẩm báo chí, truyền thông đã và đang có sức ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, thiếu nhận thức và năng lực về vấn đề giới và bình đẳng giới nêu trên là một hạn chế với các đối tượng này. Ngoài ra, họ cũng chưa có hiểu biết sâu sắc về các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế liên quan, khung pháp lý về quyền con người/quyền phụ nữ, cũng như bối cảnh bình đẳng giới của châu Á. Do đó, nhiều sản phẩm báo chí của họ đã và đang củng cố định kiến về giới và góp phần duy trì tình trạng bất bình đẳng giới.
Thực trạng này cũng là vấn đề chung của các nước khác tại châu Á. Chính vì thế, rất nhiều mạng lưới hợp tác và chương trình hành động chung giữa các cơ quan, tổ chức và chuyên gia trong khu vực đã ra đời, trong đó có Mạng lưới Tập huấn viên về Giới tại Châu Á (AGenT) thuộc Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng Giới Hàn Quốc (KIGEPE). "Chương trình tài trợ nhỏ của AGenT nhằm thúc đẩy các nỗ lực tập huấn về bình đẳng giới trong khu vực châu Á thông qua những kế hoạch/hỗ trợ thực hiện tập huấn tại chỗ cũng như từ xa cho những thành viên của AGenT" - Chayoung Son, Quản lý dự án - Trung tâm hợp tác quốc tế KIGEPE cho biết.
Truyền thông có nhạy cảm giới
Thực hiện các chương trình tập huấn về truyền thông có nhạy cảm giới không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị đào tạo, hay cơ quan chuyên môn. Thực tế, nhiều tổ chức phát triển cộng đồng trong nước và quốc tế đã và đang nỗ lực chung tay thúc đẩy vai trò và năng lực của các phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông về vấn để này.
Mới đây, chương trình "Giới và bình đẳng giới với phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông" do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) thực hiện đã giúp gần 30 học viên có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, thái độ và kỹ năng thực hành truyền thông có nhạy cảm giới. Đây là sáng kiến của VSF vượt qua 12 sáng kiến khác trong khu vực châu Á được nhận tài trợ từ Chương trình tài trợ nhỏ của AGenT - KIGEPE.
"Sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của KIGEPE thông qua AGenT có ý nghĩa to lớn đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. VSF với vai trò là thành viên của AGenT đã và đang xây dựng mạng lưới những người có ảnh hưởng nhằm xóa bỏ định kiến giới." – chị Trần Hồng Điệp, Phó Giám đốc VSF, người điều hành chương trình cho biết.
Chị Điệp trong khóa tập huấn về truyền thông nhạy cảm giới
Trong khuôn khổ chương trình, tọa đàm "Truyền thông có nhạy cảm giới – thực trạng và hành động của chúng ta" đã diễn ra. Mục tiêu của tọa đàm nhằm trao đổi về những định kiến và khuôn mẫu thường gặp trong báo chí và truyền thông, cũng như chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp.
Các phóng viên, cán bộ truyền thông trẻ chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn và thách thức khi tác nghiệp
Tại tọa đàm, bạn Nguyễn Bá Khải – Nhóm thanh niên truyền thông về Giới và Bình đẳng giới – đã chia sẻ chiến dịch truyền thông "Women Care" lấy cảm hứng sau khóa tập huấn của VSF. Chiến dịch ra đời nhân dịp 20-10 bao gồm các hoạt động truyền thông trên nền tảng mạng xã hội Facebook về bình đẳng giới và phá bỏ định kiến giới. Thông qua các diễn đàn tranh luận về các chủ đề như "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", ra mắt các website, podcast, talkshow, chiến dịch đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các bạn về vấn đề này.
Gần 30 phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông nhận chứng chỉ người tiên phong vì truyền thông có nhạy cảm giới
Các tham dự viên khác cũng chia sẻ những thay đổi của chính bản thân sau khi tham gia chương trình. Các bạn đã trở nên cẩn thận hơn trong việc xây dựng chủ đề, phỏng vấn nhân vật và chuẩn bị tài liệu cần thiết cho các tin bài, chiến dịch truyền thông. Ví dụ như, khi phỏng vấn các nữ đại biểu Quốc hội, các bạn đã tập trung vào năng lực làm việc và khát vọng thay đổi của người được phỏng vấn thay vì ngoại hình và chuyện gia đình; hoặc các bạn đã góp ý với lãnh đạo bệnh viện về việc cần xây dựng hình tượng điều dưỡng tại bệnh viện có cả nam và nữ.
Truyền thông có nhạy cảm giới là cả một quá trình nỗ lực và cần thời gian. Việc các phóng viên trẻ và cán bộ truyền thông thay đổi tư duy và cách khai thác trong các sản phẩm báo chí, truyền thông là những thành công bước đầu của chương trình. Thời gian tới, VSF sẽ tiếp tục đồng hành, kết nối với các phóng viên và cán bộ truyền thông để triển khai các hoạt động truyền thông xóa bỏ định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.