Cha mẹ đồng hành cùng con thông qua việc áp dụng HTQC tại nhà
Cha mẹ và thầy cô đều có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, là những người gần gũi nhất giúp trẻ giải đáp thắc mắc, tiếp thu những kiến thức mới trong cuộc sống. Là hướng tiếp cận giáo dục bền vững, việc áp dụng HTQC sẽ không dừng lại ở những tiết học tại lớp, mà còn được áp dụng rộng rãi ngay tại nhà. Cha mẹ được hướng dẫn, khuyến khích tham gia các hoạt động HTQC cùng con tại nhà để giúp con phát triển toàn diện về nhận thức, sáng tạo, cảm xúc, xã hội và thể chất. Theo đó, VVOB đã biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dành riêng cho các bậc phụ huynh, trong đó, hướng tiếp cận HTQC được cụ thể hóa thành các hoạt động đơn giản, gần gũi để cha mẹ áp dụng dễ dàng và linh hoạt.
Cha mẹ cùng các con hưởng ứng tham gia Ngày hội HTQC tại trường Tiểu học thị trấn Di Lăng số 1, Quảng Ngãi.
Anh Võ Thanh Vinh, phụ huynh một học sinh lớp 2, trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, TP HCM biết đến HTQC khi tham gia ngày hội HTQC tại trường của con. Anh Vinh chia sẻ, "Trước nay tôi vẫn thường lồng ghép một số phép toán khi chơi cờ với con, nhưng chỉ nghĩ đó là một trò chơi bình thường. Sau khi tham gia ngày hội, tôi mới biết HTQC là một hướng tiếp cận giáo dục, và nếu cha mẹ có thể đồng hành cùng con, thực hành áp dụng HTQC tại nhà, sẽ không chỉ giúp sự gắn kết của gia đình bền chặt hơn mà còn giúp con học hỏi và phát triển được nhiều kỹ năng khác nữa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi công nghệ đang phát triển mạnh, nhà nào cũng có tivi, iPad, điện thoại, con dễ bị cuốn vào mà mất đi sự giao tiếp với gia đình và những người xung quanh. Thông qua HTQC cùng với cha mẹ, các con có thể học từ mọi hoạt động thường ngày, được tạo điều kiện vui chơi, trải nghiệm, sáng tạo, từ đó khám phá tiềm năng, tình cảm, cảm xúc của bản thân."
Việc lồng ghép HTQC vào các buổi họp phụ huynh và tổ chức Ngày hội HTQC dành cho cha mẹ học sinh là một trong những nỗ lực của VVOB trong việc hỗ trợ các bậc phụ huynh hiểu một cách đúng đắn để có cách giáo dục con phù hợp, hiểu được mong muốn của con để tạo nên sự hứng thú trong các hoạt động, từ đó gần gũi với con hơn và thấy được sự thay đổi tích cực của con từng ngày.
Tiếp tục mở rộng tập huấn cho giáo viên với khóa học trực tuyến
Trong gần 4 năm qua, VVOB đã tổ chức các khóa tập huấn trực tiếp về HTQC cho 6.956 cán bộ Sở/ Phòng GD&ĐT trên toàn quốc, cũng như cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán tại 8 tỉnh/ thành tham gia dự án: Lai Châu, Hà Giang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh.
Vừa qua, VVOB cũng đã phối hợp với Bộ GD&ĐT giới thiệu khóa học trực tuyến miễn phí về HTQC dành cho cán bộ giáo dục cấp tiểu học trên nền tảng học tập trực tuyến của Bộ. Khóa học trực tuyến đã chính thức được triển khai toàn quốc từ tháng 7/2023. Đến nay, khoảng 30.000 giáo viên đã hoàn thiện khóa học và khoảng 10.000 giáo viên khác đang tham gia. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi các tỉnh thành phố triển khai diện rộng cho cán bộ quản lý, giáo viên của tất cả các trường tiểu học tại địa phương.
Hội thảo "Giới thiệu khóa học trực tuyến về Học thông qua Chơi" trong khuôn khổ dự án iPLAY với sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên viên từ Cục NG&CBQLGD, Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT Việt Nam, cùng đại diện của các Sở/Phòng GD&ĐT toàn quốc.
Nội dung chính của khóa học trực tuyến về HTQC tập trung vào giới thiệu các kiến thức cơ bản về HTQC và mối liên hệ giữa HTQC với chương trình GDPT 2018. Có thể nói HTQC đáp ứng được các yêu cầu phát triển toàn diện về phẩm chất - năng lực của học sinh cũng như chuẩn nghề nghiệp của giáo viên tiểu học.
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQLGD, chia sẻ, "Thành công của dự án đã được thể hiện rõ qua kết quả tích cực đạt được tại 8 tỉnh thành triển khai dự án. Từ đó, tập huấn nhân rộng cho tất cả cán bộ, giáo viên cốt cán tại các tỉnh thành khác. Sau khi tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán các tỉnh, nhiều tỉnh có mong muốn giáo viên tiểu học được tham gia tập huấn. Tuy nhiên, khuôn khổ dự án chưa có điều kiện để tổ chức tập huấn riêng cho từng địa phương. Vì vậy, việc triển khai khóa học trực tuyến góp phần đảm bảo tính bền vững và góp phần duy trì kết quả của dự án iPLAY đồng thời tạo cơ hội cho nhiều cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học có thể tiếp cận với HTQC hơn nữa".