Theo BHXH Việt Nam, đến thời điểm này cả nước có trên 86,8 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ khoảng 89% dân số. Trong hơn 6 tháng qua, hơn 65 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT nội trú và ngoại trú… Hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn như tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Thực tế, nhiều trường hợp đã được chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng chi phí KCB BHYT.
Vướng về cơ chế
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết hiện danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều trị, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT được tiếp cận các thuốc mới phù hợp với hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, giải quyết được những vướng mắc trong thanh toán thuốc BHYT. Tuy nhiên, theo ông Phúc, thời gian qua có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thanh toán từ quỹ BHYT. Chẳng hạn, đến thời điểm này, tổng chi phí KCB BHYT vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc vì một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán do các địa phương đề nghị thanh toán bổ sung tại 28 tỉnh, thành phố, 320 cơ sở KCB là 1.601 tỉ đồng. Các chi phí này đang được BHXH Việt Nam phân tích hồ sơ, phân loại để xác định các chi phí đủ điều kiện thanh toán, tổng hợp báo cáo hội đồng quản lý xem xét cho phép đưa vào quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021.
Ngoài ra, ông Phúc cũng nêu một số khó khăn do cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, Chính phủ. Một số chi phí thuốc, vật tư y tế chưa được thanh toán cho các bệnh viện, thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hóa chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021, trong khi năm 2021 đã phát sinh một số vấn đề mới mang tính đặc thù, số lượt người đến KCB giảm do tình hình dịch Covid-19 dẫn đến việc áp dụng xác định tổng mức thanh toán theo quy định có những bất cập nhất định.
Hơn 65 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú trong hơn 6 tháng qua
Tháo gỡ chi phí "treo"
Đề xuất Bộ Y tế và BHXH Việt Nam gỡ các vướng mắc trong việc thanh toán dịch vụ y tế từ quỹ BHYT cho người bệnh, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết đang có tình trạng chi phí bị "treo" từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hóa chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định. Hiện tại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chưa có căn cứ để thanh toán các chi phí này. Đại diện các bệnh viện đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề xuất giải pháp thanh toán, sửa đổi các quy định phù hợp với thực tế sử dụng của cơ sở y tế, không lãng phí các thiết bị y tế.
Trước hàng loạt khó khăn từ phía cơ sở y tế, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết bộ đang cố gắng cùng ngành BHXH Việt Nam, cơ sở y tế tháo gỡ các vướng mắc liên quan quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn, bảo đảm quyền lợi của người bệnh. Hiện Thông tư về định mức kỹ thuật, danh mục dịch vụ kỹ thuật đang được sửa theo hướng rút gọn từ hơn 18.000 dịch vụ còn khoảng 10.000 dịch vụ tương đương để thuận lợi cho việc thanh toán chi phí KCB BHYT.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, khẳng định với những vướng mắc không phải xuất phát từ cơ chế, chính sách, cơ quan bảo hiểm sẵn sàng cùng ngành y tế xử lý dứt điểm. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hướng dẫn. Hiện BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành tạm ứng, quyết toán đúng quy định, đồng thời phối hợp Bộ Y tế sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong thanh toán KCB BHYT. BHXH Việt Nam cũng đề nghị BHXH địa phương phối hợp các đơn vị liên quan có ngay những giải pháp cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh, tuyệt đối không để người bệnh phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng.