Ước mơ tuy giản dị nhưng là xa xỉ đối với cậu bé T.
Khi em lên 6 tuổi, mẹ bỏ nhà ra đi để lại T. và em trai. Bố em đã chuyển vào miền Nam mưu sinh từ nhiều năm nay, hay đau ốm và thường xuyên phải nhập viện do căn bệnh suy thận. Ông nội T. nghiện ma túy và đang được dùng Methadol thay thế. Kinh tế gia đình chỉ trông vào quán bán bánh cuốn buổi sáng của bà nội. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Tú chưa bao giờ ngừng phấn đấu và nỗ lực học tập. Đôi mắt đượm buồn của em bỗng sáng lên, long lanh như ngấn nước khi được hỏi về mơ ước của mình. Em ước ao được sống trong một gia đình hạnh phúc, có đầy đủ cha mẹ, và quyết tâm học giỏi để sau này đền đáp công ơn của ông bà.
T. chỉ là 1 trong 30 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại phường Kênh Dương (Quận Lê Chân, TP Hải Phòng) hiện sống trong các gia đình có người nghiện ma túy hoặc nhiễm HIV/AIDS. Đời sống kinh tế của gia đình các em phần lớn rất khó khăn. Thường sống với ông, bà hoặc chỉ sống với bố hoặc với mẹ nên các em rất thiếu thốn tình cảm và không có điều kiện được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục đầy đủ, nhất là về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục. Trong khi đó, người chăm sóc trẻ lại chưa có nhiều kiến thức và kỹ năng về phòng chống xâm hại tình dục cho con em mình. Họ thậm chí còn chưa nhận ra những nguy cơ và sự cần thiết phải bảo vệ trẻ khỏi vấn nạn xâm hại tình dục.
"Cánh buồm đỏ thắm" - Hành trình của ước mơ, hạnh phúc và bình an!
Nhận thấy tính cấp thiết của thực trạng này, từ tháng 5-2021, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hải Phòng và Hội LHPN phường Kênh Dương triển khai các hoạt động của dự án "Cánh buồm đỏ thắm". Dự án nhằm tăng cường kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em và người chăm sóc trẻ tại phường Kênh Dương thông qua các hoạt động thiết thực như: Tổ chức khóa tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em trong độ tuổi từ 10-15 tuổi; Tổ chức tọa đàm với trẻ em nhằm chia sẻ trải nghiệm áp dụng các kiến thức và kỹ năng sau tập huấn; Tổ chức tọa đàm với người chăm sóc trẻ về phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em; Xây dựng phim ngắn truyền thông cho trẻ em về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục. Dự kiến, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt sẽ phối hợp với Hội LHPN TP Hải Phòng để giới thiệu phim ngắn này tại các trường học trên địa bàn toàn TP Hải Phòng với mục đích truyền thông phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Ngoài ra, theo kế hoạch từ tháng 9-2021, dự án sẽ hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng cho T. và 2 trẻ khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Kênh Dương trong 36 tháng liên tiếp (mức hỗ trợ 1.000.000 VND/em/tháng). Thông tin chi tiết xem tại đây.
Nhằm kết nối và huy động sự chung tay từ cộng đồng, từ 1-6-2021, Quỹ VTVV phát động gây quỹ cho chương trình năm 2021 trên các nền tảng: fanpage Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, nền tảng gây quỹ trực tuyến quốc tế Global Giving và Ví điện tử MoMo.
Trước đó, vào tháng 12-2020, dự án "Cánh buồm đỏ thắm" đã gây quỹ thành công và tiến hành bảo trợ sinh hoạt phí trong 3 năm cho Chi (tên nhân vật đã được thay đổi) - một bé gái 12 tuổi đã bị chính bảo vệ tại ngôi trường mình đang học xâm hại trong một thời gian dài.
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2014 với sứ mệnh nâng cao thể lực và trí lực của trẻ em Việt Nam, nhằm đóng góp cho các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến giáo dục, bình đẳng, chăm sóc sức khỏe và phát triển bền vững. Quỹ VTVV đã nhận được rất nhiều giải thưởng và bằng khen trong nước và quốc tế cho sự nỗ lực không ngừng trong suốt 7 năm qua. Năm 2019, Quỹ VTVV được trao giải thưởng "Tổ chức phi lợi nhuận tốt nhất của năm" do Asia Philanthropy Award bình chọn.
Dự án "Cánh buồm đỏ thắm"/"Scarlet Sails" do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt khởi xướng năm 2020 với mong muốn kết nối và huy động các nguồn lực trong xã hội để cùng hỗ trợ và nuôi dưỡng ước mơ của các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Bên cạnh các hoạt động tập huấn, tọa đàm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho trẻ em, người chăm sóc trẻ và các bên liên quan, Quỹ còn kết nối và huy động các nguồn lực trong xã hội để cùng bảo trợ sinh hoạt phí/học phí và hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ em.