Muôn vàn nỗi lo chồng chất
"Rứa là quán tôi đóng cửa hơn 2 tháng ni rồi. Cả nhà tôi có quán ni để làm ăn thôi, à còn của 8 nhân viên khác nữa, mà chừ không có đồng ra đồng vô, lại phải trả chi phí mặt bằng, sinh hoạt, hỗ trợ mấy bạn ở quê nên cực lắm ạ" – Chậm rãi, ngậm ngùi bằng chất giọng Quảng Trị đặc trưng, vợ chồng chị Thảo, chủ của một cửa hàng ăn uống bình dân tại Quận 8 chia sẻ. Cả gia đình khăn gói rời quê hương vào TP HCM làm ăn, anh chị từng mơ ước sẽ có cuộc sống ổn định vì nghe người ta bảo nhau rằng "đất Sài Gòn này dễ sống lắm". Nhờ chăm chỉ làm ăn, hai vợ chồng chị có được một quán ăn nhỏ, trang trải sinh hoạt, nuôi con, gửi về hỗ trợ bố mẹ già và cũng tạo ra nguồn thu nhập cho 8 nhân viên khác. Từ ngày quán tạm dừng hoạt động, mọi thứ dường như ngưng trệ, duy chỉ có chi phí và những nỗi lo vẫn gia tăng từng ngày. Chị Thảo, quay mặt đi thở dài: "Tụi tôi biết ai cũng khó khăn hết, nên dù nghỉ nhưng cũng cố gắng hỗ trợ cho các bạn nhân viên mỗi tháng 1.500.000 đồng để hết dịch họ còn làm với mình. Có một bạn ở lại với vợ chồng tôi luôn, vì nhà xa quá nên mắc kẹt ở đây".
Quán bê thui của vợ chồng anh Hân, chị Thảo đã đóng cửa im ỉm nhiều tháng nay
Hai vợ chồng anh Hân, chị Thảo là một trong số rất nhiều các hộ kinh doanh buôn bán quán ăn, nhà hàng tại TP HCM chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Chị Minh Thi, chủ quán nhậu Đồng Ngọc ở huyện Nhà Bè trải lòng: "Dịch đóng cửa là chị ở nhà luôn, không có thu nhập gì luôn. Cà phê trà sữa người ta còn được ship mang về, chứ chị bán quán nhậu, đâu có ai mua. Cũng may chị thuê nhà từ người quen nên chi phí tầm 10.000.000 một tháng, nhiều chắc chị phá sản luôn. Nhưng chị không biết trụ được tới bao giờ nữa".
Những quán nhậu san sát nhau chịu chung cảnh tạm ngưng hoạt động
Dịch đã kéo dài hơn 4 tháng cũng là chừng ấy thời gian anh Luận, kinh doanh tại quận 7 phải đóng cửa quán. Trước đây lúc chưa có biến cố, quán anh làm ăn cũng ổn định, số lượng nhân viên lên đến 19 người, từ nhiều miền quê khác nhau, cùng đến TP HCM để làm thuê kiếm sống. Từ ngày có chỉ thị, anh Luận cố sử dụng tiền tích lũy để trang trải qua ngày. "Mỗi tháng tôi trả 75% chi phí mặt bằng, vẫn ăn uống sinh hoạt nhưng có làm ra được đồng nào đâu. Tôi cũng không dư dả nên không giúp được mấy anh em trong quán, chỉ biết cho họ ở cùng lại đây, bớt được khoảng nào thì bớt" – anh Luận kể.
Anh Luận dọn dẹp quán đã lâu ngày không hoạt động
Vợ chồng chị Thảo, chị Thi hay anh Luận mỗi ngày mở mắt đều thấy khó khăn hơn vì nhiều khoản nợ, khoản phải chi chồng chất. Chỉ khi nào họ được mở cửa, các anh chị và những người lao động bám trụ vào những cửa hàng đó mới có cơ hội thoát khỏi cảnh khốn khó.
Mở cửa trở lại – ước mơ nhỏ nhoi nhưng cũng lớn lao nhất
"Khó khăn lớn nhất là không biết đến khi nào mới có thể bán lại, cũng là mong ước lớn nhất của tôi bây giờ" – anh Luận chia sẻ. Nguồn thu thì đóng băng, một loạt các chi phí khác vẫn đang gồng gánh, các cửa hàng ăn uống, hàng quán kinh doanh chính là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại TP HCM.
Từng đặt mục tiêu sau vài năm làm ăn có thể mở rộng diện tích quán, trang bị thêm những vật dụng, thiết bị vệ sinh tốt hơn, lại có thêm thu nhập để hỗ trợ bố mẹ già ở quê, vì ông bà đã lớn tuổi mà không có người thân bên cạnh chăm sóc, thế nhưng giờ đây, vợ chồng chị Thảo chỉ mong cầu có thể hoạt động lại để trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người. "Tôi cũng mong được hỗ trợ lắm chứ, các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương, nhưng giờ ai cũng khổ nên tôi không đòi hỏi gì" – anh, chị nghẹn ngào.
Vợ chồng anh Hân chị Thảo đều là những người lao động từ phương xa đến TP HCM trang trải cuộc sống
Ước mơ hết dịch, cuộc sống trở lại nhịp độ bình thường có lẽ không phải là mong mỏi của riêng bất kì cá nhân nào, mà sẽ là niềm hạnh phúc của rất nhiều người, đặc biệt là những người dân lao động, người vô gia cư và cả những người kinh doanh hàng quán. Dẫu biết "bán lại thì không biết có khách không, khách chậm thì cũng khó khăn" nhưng anh Luận vẫn không ngừng tin tưởng "nói chung, còn chờ được mở cửa lại là còn hy vọng".
Anh Luận vẫn không ngừng hy vọng và tin tưởng sẽ được mở cửa trở lại sớm
Hơn lúc nào hết, đây chính là thời điểm những hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ như chị Thi, vợ chồng chị Thảo, anh Luận và hàng trăm nghìn tiểu thương nhỏ đang cần sự hỗ trợ và chung tay từ cộng đồng, không chỉ để tiếp thêm sức mạnh vượt qua giai đoạn khó khăn này, mà còn gián tiếp giúp cuộc sống của rất nhiều người phụ thuộc vào các cửa hàng có thể tiếp tục bám trụ miền đất này. Cùng nhau, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng đại dịch!