“Để gió cuốn đi mang cho ai niềm hy vọng và để mây thổi lại những điều thanh thản, nhẹ nhàng”. Đó là những chia sẻ từ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương trong chương trình “Sưởi ấm niềm tin” vừa qua.
Đong đầy yêu thương
Vào một sớm tháng 10 mát trong, tại khuôn viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM), đoàn bác sĩ Tâm Việt, các mạnh thường quân, tình nguyện viên đã tập kết đông đủ, ráo riết vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ y khoa, thuốc men, thực phẩm... để sẵn sàng cho cuộc hẹn đặc biệt: cuộc hẹn “Sưởi ấm niềm tin” với hơn 800 hoàn cảnh kém may mắn. Đây là chương trình khám sức khỏe định kỳ hằng năm miễn phí dành cho trẻ khiếm thị; giáo viên, nhân viên các trường học, mái ấm; những người khiếm thị, khuyết tật trong cộng đồng do Thư viện Sách nói dành cho người mù, ông Đoàn Hoài Minh tài trợ chính và đoàn bác sĩ Tâm Việt tổ chức. Chương trình bao gồm các hoạt động: lập sổ theo dõi sức khỏe định kỳ hằng năm; khám và điều trị bệnh lý; tẩy giun dự phòng; cắt tóc; giáo dục y tế cộng đồng...
Trao quà cho các mái ấm, trường khiếm thị
Cũng đã 4 năm kể từ khi đoàn bác sĩ Tâm Việt đến thăm và chạm trực tiếp vào từng số phận của hàng trăm trẻ khiếm thị trên địa bàn TP HCM, thế rồi, năm nào cũng vậy, “Sưởi ấm niềm tin” trở thành mong đợi rất đỗi bình dị - ngày mà các em được chạm vào một cách thật bình yên với tình yêu thương trọn vẹn. Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu trở thành phòng khám “đặc biệt” với từng phân khu: khám tổng quát, khám nha, siêu âm, điện tim, khám sản khoa, xét nghiệm, dược... Hàng trăm em học sinh từ các trường khiếm thị, mái ấm quy tụ về đây, xếp hàng ngay ngắn thành từng nhóm nhỏ để chuẩn bị “gặp bác sĩ”. Sau mỗi bước chân là một lời chào, ở mỗi bàn khám bệnh là những lời hỏi thăm. Không chỉ “bắt bệnh, kê toa”, các bác sĩ còn là người bạn sẻ chia về hoàn cảnh, lắng nghe những trăn trở và cả những ước vọng. Thời gian không chỉ là thứ biết trôi qua mà còn là thứ để lấp đầy. Những cái nắm tay siết chặt, lời động viên, thăm hỏi ân cần đều trở thành ký ức đẹp đẽ của “Sưởi ấm niềm tin”. Em Hồng Duyên, Trường Bừng Sáng, bày tỏ sự háo hức: “Không chỉ riêng em mà tất cả các bạn đều mong đợi “Sưởi ấm niềm tin”. Sự hỏi han ân cần của các bác sĩ khiến chúng em cảm thấy mình được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, những thắc mắc về sức khỏe, sinh lý mà chúng em vốn ít thông tin, lại ngại hỏi cũng được các bác sĩ giải đáp tận tình”.
Bên cạnh vấn đề về mắt, trẻ khiếm thị còn gặp phải các tật về thính giác, nhận thức, thậm chí là mắc chứng bệnh tự kỷ. “Nghe khám bệnh cho trẻ khiếm thị là mình phải tham gia vì... thương quá! Có nhiều em không nghe được, không nhìn thấy được nên rất khó tiếp xúc, lúc ấy mình phải thật kiên nhẫn, dỗ dành để các em thật sự tin tưởng” - bác sĩ Lê Hồng Nga cho biết.
Ngoài việc khám bệnh, ban tổ chức còn chu đáo trong việc chuẩn bị các phần ăn sáng, ăn trưa, nước uống dành cho bệnh nhân. Đoàn bác sĩ Tâm Việt còn bảo trợ lập tủ thuốc tại các trường, cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị. Tủ thuốc được các bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng và kiểm tra định kỳ để bổ sung, thay thế các thuốc sắp hết hạn.
Luôn còn đó, những tấm lòng…
Trẻ khiếm thị là một phần của cộng đồng. Việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khiếm thị không còn là việc của riêng ai. Chính trách nhiệm và sự đồng cảm ấy đã thôi thúc không chỉ Đoàn bác sĩ Tâm Việt, Thư viện Sách nói dành cho người mù mà còn cả Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng TP HCM, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM, Công ty CP Dược Pharmedic, các bác sĩ, dược sĩ, mạnh thường quân, tình nguyện viên cùng đồng hành, xây dựng chương trình “Sưởi ấm niềm tin”, góp phần sưởi ấm các em bằng ngọn lửa tình người.
Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: Đây là lần thứ tư đoàn bác sĩ Tâm Việt tổ chức khám sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh cho người khiếm thị TP HCM, đặc biệt là các em nhỏ. Không chỉ khám tổng quát, các em còn được siêu âm, khám phụ khoa, đo điện tim, điều trị răng... Trong quá trình khám nếu phát hiện bệnh, các bác sĩ luôn sẵn sàng hỗ trợ điều trị. Qua 4 năm tổ chức, “Sưởi ấm niềm tin” đã trở thành tiếng nói chung, kêu gọi sự chung tay chăm sóc của cộng đồng.
Ngay tại chương trình “Sưởi ấm niềm tin”, những mảng màu tối tự khi nào đã bị thay thế, lấp đầy bằng câu hát, nụ cười... Mỗi thanh âm trong trẻo, mỗi ca từ da diết được cất lên như chính lời tự sự của các em về niềm tin, về ước mơ, về khát vọng sống và cống hiến. Và niềm tin, ước mơ ấy sẽ càng chắp cánh khi các em được tiếp xúc, được đồng cảm, quan tâm và yêu thương. Mỗi năm, “Sưởi ấm niềm tin” thăm khám khoảng 800 hoàn cảnh kém may mắn, góp phần xóa đi rào cản, đưa người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, như trong hai câu thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người với người sống để yêu nhau...”.
“Sưởi ấm niềm tin” là một câu chuyện đẹp giữa đời, cần mẫn xoa dịu những mất mát, tổn thương để đem đến những hạnh phúc bình dị cho trẻ em khiếm thị. Niềm hạnh phúc đời thường ấy, theo ông Đoàn Hoài Minh - người âm thầm đồng hành cũng là người khởi xướng chương trình “Sưởi ấm niềm tin” - chính là qua mỗi năm, “Sưởi ấm niềm tin” lại được nhìn thấy các em vui cười rạng rỡ, khỏe mạnh, cố gắng học tập, phấn đấu thành đạt trong tương lai. Không dừng lại ở câu chuyện về “người với người sống để yêu nhau” mà chương trình “Sưởi ấm niềm tin” còn là bàn tay nâng đỡ, tiếp thêm nghị lực để các em sống vui, sống tốt, sống có ích...
Bác sĩ Hồ Hoàng Tuấn, Trưởng đoàn bác sĩ Tâm Việt, cho biết: “Với chương trình Y tế xanh, đoàn bác sĩ chúng tôi đã có gần 18 năm hoạt động chăm sóc sức khỏe cho những hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật ở các vùng miền trong cả nước. Là chương trình kết hợp giữa đoàn bác sĩ Tâm Việt với Thư viện Sách nói dành cho người mù, “Sưởi ấm niềm tin” không chỉ gói gọn trong những cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị mà còn hướng đến những người khiếm thị trong cộng đồng. Đặt những bình hoa trong hội trường để chào đón các em, tôi đã thực sự xúc động khi thấy các em “nhìn” hoa bằng tay. “Sưởi ấm niềm tin” không chỉ khám tổng quát mà còn siêu âm, đo điện tim, chăm sóc nha, tẩy giun dự phòng… Sau mỗi chương trình, chúng tôi lấy ý kiến trực tiếp từ các em, lắng nghe các em thực sự cần gì, mong muốn gì, từ đó có những bổ sung, thay đổi; chẳng hạn như các em khiếm thị thường không tự tin, hay mắc cỡ, chúng tôi bắt đầu phân chia khu siêu âm nam - nữ, bố trí màn che chắn. Chúng tôi còn giáo dục về giới tính, vệ sinh phụ khoa, tầm soát các bệnh viêm nhiễm, giáo dục ý thức chăm sóc bản thân. Vốn nhút nhát, tuy nhiên qua nhiều năm, các em bắt đầu quen dần, mỗi lần đến với “Sưởi ấm niềm tin” đều cảm thấy phấn khởi, vui vẻ.