Kiến tạo môi trường nghiên cứu cho mọi sinh viên
Chất lượng sinh viên (SV) thời 4.0 được đánh giá không chỉ ở kiến thức, kỹ năng, thái độ mà còn là kinh nghiệm tham gia các dự án và hoạt động thực tiễn. Do đó, NCKH được các cơ sở giáo dục xem là công cụ quan trọng hỗ trợ định hướng đổi mới giáo dục.
Như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU) đã xác định sứ mệnh đào tạo nên những con người vững kiến thức, có khát vọng đổi mới tư duy và năng lực sáng tạo để tham gia vào tiến trình ĐMST trong xã hội. Trường đưa NCKH, khởi nghiệp và ĐMST vào giảng dạy, giúp SV khơi gợi khả năng sáng tạo và tiếp cận kiến thức thực tiễn thông qua những bài giảng trên lớp, nghiên cứu tư liệu trên thư viện số, internet hoặc các sản phẩm thực tiễn… Trường có nhiều khuyến khích và chủ trương thúc đẩy tinh thần NCKH; kiến tạo môi trường thuận lợi để SV tự do nghiên cứu; phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác NCKH, chuyển giao công nghệ tổ chức các hoạt động, cuộc thi về NCKH, ĐMST – khởi nghiệp để bồi dưỡng năng lực nghiên cứu… cho SV toàn trường.
Nguồn lực nghiên cứu viên có kinh nghiệm thường xuyên được chọn lọc để làm mentor đồng hành với SV từ bước hoàn thiện ý tưởng, lập kế hoạch nghiên cứu đến giúp SV tháo gỡ vướng mắc trong quá trình phát triển dự án. Các mentor này cũng là đầu mối chia sẻ các thông tin mới về nghiên cứu, hội nghị khoa học để SV tham gia, học hỏi thêm.
"NCKH trong trường học không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy và học mà còn là cơ sở để phát hiện, đào tạo người học thành những nhân tài khoa học, công nghệ. NTTU mong muốn thông qua hoạt động này sẽ giúp SV tự tìm ra phương pháp tự học, tự lập, tự vượt qua khó khăn, phát huy các phẩm chất và nâng cao giá trị thông qua tư duy ĐMST không ngừng. Có như vậy các em mới tự trang bị thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tế, ra trường tìm việc sẽ thuận lợi, xa hơn là có thể tự khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công", TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh.
"Đơm hoa kết trái"
Năm 2023, số công bố khoa học của sinh viên NTTU tăng cả về lượng và chất. Có SV đã cùng thầy/cô công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc hệ thống ISI/SCOPUS. Nhiều em đạt thành tích cao tại các cuộc thi lớn: Design Thinking – Open Innovation; Giải thưởng KHCN dành cho SV các cơ sở giáo dục đại học; MTA Robot Challenge; SV.STARTUP… Trường cũng là một trong 36 đơn vị nhận được bằng khen của Thành Đoàn TP HCM vì có nhiều đóng góp tích cực trong hành trình 25 năm tổ chức Giải thưởng Euréka.
Tham gia chung kết Giải thưởng sinh viên NCKH Euréka 2023 với 5 đề tài, SV trường đã mang về 9 giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải ba, 03 giải KK, 03 giải poster và 01 giải video được bình chọn nhiều nhất. Với dự án "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị Monitor 4 thông số", SV Trương Thị Thùy Trang đã đưa NTTU trở thành trường đại học ngoài công lập duy nhất đạt giải nhất. "Chúng em tự hào vì đã tiếp tục khẳng định được thành tích NCKH của sinh viên NTTU. Hy vọng loạt giải thưởng này sẽ tiếp thêm ngọn lửa đam mê NCKH trong cộng đồng sinh viên NTTU", Thùy Trang chia sẻ.
Nhiều năm đồng hành cùng SV nghiên cứu, phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, NCS.ThS. Trần Thành, Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển bền vững, cho rằng các sản phẩm nghiên cứu của SV trường đều mang tính đột phá, tính ứng dụng cao như dự án "Dịch chiết lá bàng" giúp giải bài toán sử dụng kháng sinh, chất hóa học trong nuôi trồng thủy hải sản; dự án "Phân bón hữu cơ từ vỏ trái cây và bột sò" tận dụng tái chế chất thải nông nghiệp – cải thiện môi trường đất… Đặc biệt như dự án "ATER" phát triển mặt nạ dưỡng da vi tảo lục đã thương mại hóa thành công, đạt kiểm định về an toàn mỹ phẩm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT.
Theo thầy Thành, việc NTTU tích cực tiếp sức cho người học tham gia NCKH và khởi nghiệp chính là bước đi quan trọng trong việc xây dựng thế hệ trẻ sáng tạo, năng động làm lực lượng then chốt phát triển đất nước.