Đây là chia sẻ của lãnh đạo một số doanh nghiệp lữ hành tại hội thảo "Đi tìm diện mạo du lịch an toàn" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, ngày 22-10.
Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Pegas Touristik (đơn vị chuyên đón khách Nga tới Việt Nam), cho biết hầu hết du khách tại Nga đã sẵn sàng lựa chọn Việt Nam làm điểm đến ngay lúc này, vì mức độ an toàn cao. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa mở cửa cho du khách quốc tế, trong khi doanh nghiệp đã không có doanh thu kể từ đầu năm khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát.
"Cơ quan quản lý ngành du lịch gần đây nhắc nhiều đến các bộ tiêu chí an toàn nhưng doanh nghiệp mong muốn thúc đẩy nhanh tiến độ để thị trường du lịch, nhất là các công ty lữ hành quốc tế sớm được cứu khi mở cửa đón khách trở lại. Đồng thời, sau khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại, chúng tôi kỳ vọng sẽ được hỗ trợ về thuế để sớm phục hồi sau tổn thất thời gian qua" – bà Hoàng Thị Phong Thu nói.
Du lịch Việt Nam hiện chưa mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan một điểm đến ở Hà Nội. Ảnh: Lam Giang
Bà Dương Tú Anh, Giám đốc điều hành Công ty Nam Anh, đại diện cho 2 hãng hàng không của Nga tại Việt Nam, cho hay lâu nay doanh nghiệp đã vận hành một quy trình khép kín bảo vệ rủi ro cho cả khách Nga tới Việt Nam và người dân địa phương. Cụ thể, các đoàn khách từ Nga sang Việt Nam sẽ được công ty đón theo quy trình khép kín từ hãng hàng không vận chuyển riêng, xe đưa đón sân bay, khách sạn đều riêng biệt…
"Khách Nga ở Việt Nam thường từ 10-12 đêm, trong khi hiện chính sách của nhà nước đang áp dụng cho người nhập cảnh là chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài chỉ 5-6 ngày. Do đó, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cho phép khách Nga đi du lịch đến Việt Nam được cách ly ngay tại khách sạn 5-6 ngày, sau đó mới đi du lịch tới các nơi khác theo quy trình phù hợp phòng chống dịch Covid-19" – bà Dương Tú Anh đề xuất.
Tại hội thảo, một số doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế (inbound) nói hoạt động kinh doanh của họ đã "rơi tự do" từ tháng 3 đến nay và đang tiếp tục cầm cự rất khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị nhà nước có chính sách phù hợp để hỗ trợ họ vượt khó giai đoạn này, như chính sách về tín dụng ưu đãi, miễn giảm thuế…
Ở góc nhìn của một đơn vị tư vấn và nghiên cứu về thị trường du lịch, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting, công bố kết quả khảo sát mới đây của công ty cho thấy, 92% du khách được hỏi nói rằng lo lắng nhất của họ khi chọn điểm lưu trú là yếu tố vệ sinh - an toàn. Một số kết quả khảo sát khác cho thấy, 83% du khách sẽ không đi du lịch nếu họ bị cách ly tại điểm đến; 79% du khách cho rằng việc công khai và làm theo tiêu chuẩn an toàn của Chính phủ là điều quan trọng…