Sáng, chúng tôi ghé quán bánh canh Bà O định ăn bánh canh thì được thông báo: "Chiều mới có bánh canh, sáng bán bún rạm", nhờ vậy mà được thưởng thức món ngon khó quên của xứ biển.
Rạm cùng họ với cua nhưng nhỏ hơn, thịt rất chắc. Người ta đi bắt rạm về ngâm, làm sạch, giã nhuyễn lọc lấy nước nấu. Do nước dùng làm từ rạm 100% (không dùng bột ngọt) nên rất thơm và ngọt tự nhiên. Thêm nữa, bún trong tô bún rạm được làm và bán "nóng" nên dai, dẻo hơn so với bún làm qua đêm.
Tô bún rạm quán Bà O trước mặt chúng tôi thoạt nhìn có vẻ đơn điệu: Nước dùng chan thẳng vào tô bún (không để nước rạm riêng, bún riêng như quán có thương hiệu). Một đĩa rau sống kèm một ít lát xoài xanh, cạnh bên có 2, 3 cái bánh tráng nướng. Nhưng điểm cộng đáng kể của tô bún chính là rất nhiều riêu rạm. Có cảm giác riêu rạm nhiều ngang với bún, thơm phức. Húp thử 1 muỗng nước dùng, vị gạch rạm nguyên chất ngọt dịu đầu lưỡi, riêu rạm không quá mềm như riêu cua mà đậm đà, beo béo nhưng lại không hề ngấy.
Vậy là mọi người phấn khởi gắp rau sống, xoài xanh chua ngọt vào tô bún, bẻ kèm miếng bánh tráng giòn rôm rốp… Và cứ thế, tô bún vơi đi đến giọt cuối cùng. Riêu rạm đậm đà ngập tô, bún dai dai, rau tươi xanh, bánh tráng giòn giòn… Ôi, sao mà ngon quá chừng.
Chưa biết bún rạm ở quán có thương hiệu ra sao, nhưng bún rạm ở quán bánh canh Bà O được chấm điểm tuyệt đối. Cô bạn được giao nhiệm vụ thủ quỹ của nhóm lý giải: "Đúng ra chỉ cho 8 điểm thôi vì chưa ăn quán khác. Nhưng vì tô bún ở đây chỉ có 17.000 đồng. Ngon mà còn rẻ nữa thì chấm 10 điểm là chính xác!".
Có thể món bún rạm bán thêm buổi sáng ở quán bánh canh Bà O chưa thực sự "xuất sắc", nhất là với người dân Quy Nhơn. Nhưng với du khách phương Nam lần đầu đến xứ sở này và tình cờ "bén duyên" với bún rạm thì nó thật khó quên.