Đây cũng là ngành liên quan đến kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến; phát triển sản phẩm mới, vận hành sản xuất…
Triển vọng
Hiểu một cách đơn giản thì công nghệ thực phẩm là ngành chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất - bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học… Ứng dụng của công nghệ thực phẩm là vô cùng đa dạng vì tất cả những gì liên quan đến đồ ăn thức uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này.
Với dân số 90 triệu người, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế.
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nhân lực. Nước ta đang thực sự thiếu những người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực thực phẩm. Đó là khó khăn của nền kinh tế nhưng cũng chính là cơ hội để các kỹ sư công nghệ thực phẩm chớp lấy và thành công. Vì vậy, học ngành công nghệ thực phẩm cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn một mảnh đất màu mỡ để khai thác và thể hiện bản thân.
Theo các chuyên gia, công nghệ thực phẩm đang khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, cùng với xu hướng hội nhập, ngành này đã mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hợp tác với các nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp thực phẩm liên tục được xây dựng, đầu tư để đa dạng hóa chủng loại và chất lượng sản phẩm. Do vậy, thị trường lao động luôn có những vị trí tuyển dụng thích hợp để chào mời và làm hài lòng các kỹ sư công nghệ thực phẩm.
Bộ Công Thương đã xếp công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh và cùng với đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đây sẽ là một ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, tương lai của các kỹ sư công nghệ thực phẩm tài giỏi và đam mê với nghề sẽ không chỉ được bảo đảm ở sự vững vàng mà chắc chắn sẽ ngày càng vươn xa hơn.
Công nghệ thực phẩm là ngành có nhiều cơ hội trải nghiệm
Cơ hội nghề nghiệp đa dạng
Công nghệ thực phẩm là ngành học gắn liền với thị trường lao động và hứa hẹn nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng. Bên cạnh việc được đào tạo bài bản về lý thuyết, sinh viên được thường xuyên thực hành trong phòng thí nghiệm, tập làm quen với công việc phân tích thực phẩm, đánh giá mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện các quy trình công nghệ chế biến, sản xuất, bảo quản thực phẩm. Đặc biệt, các phòng thí nghiệm mở của trường cho phép sinh viên đến thực hành, nghiên cứu vào bất cứ khi nào.
Tại những cơ sở đào tạo uy tín, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được chú trọng phát triển những kỹ năng cần thiết như: làm việc theo nhóm, giao tiếp, phỏng vấn...
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành công nghệ thực phẩm có thể làm việc chuyên môn tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm (chế biến thịt, sữa, cá, cà phê, chè, đồ hộp...), các viện nghiên cứu, công ty liên quan đến lương thực - thực phẩm, làm cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực chế biến, bảo quản và nâng cao chất lượng thực phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu hoặc có thể trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế và trung tâm y tế dự phòng…
Những năm gần đây, ngành thực phẩm là một trong những ngành đứng đầu trong đóng góp ngân sách nhà nước. Cơ hội nghề nghiệp bao gồm các vị trí trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: vận hành sản xuất thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm, bảo đảm chất lượng sản phẩm thực phẩm, phân tích chất lượng và an toàn thực phẩm, thiết kế sản phẩm thực phẩm, quản lý an toàn thực phẩm, phụ trách dinh dưỡng thực phẩm… Nơi làm việc của kỹ sư sau khi tốt nghiệp đa dạng bao gồm: phòng thí nghiệm của nhà máy, bộ phận vận hành - quản lý nhà máy và phân xưởng sản xuất, bộ phận bảo đảm chất lượng, phòng thí nghiệm tại các cơ quan quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, phòng thí nghiệm, đội ngũ giảng dạy của các viện - trường về thực phẩm và công nghệ sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, kỹ sư ngành thực phẩm có thể sử dụng kiến thức để sản xuất và kinh doanh thực phẩm, nguyên phụ liệu sản xuất thực phẩm.