Toàn cảnh di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh Suối Chình (thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) nhìn từ đỉnh núi Thới Lới. Thuở xưa, dòng suối nước ngọt này bắt nguồn từ chân núi Thới Lới chảy ra biển. Suối có nước thường xuyên, rất nhiều cá chình nên dân gian gọi là suối Chình. |
Di sản văn hóa Sa Huỳnh Suối Chình thơ mộng bên dưới chân núi lửa Thới Lới. Miệng núi lửa Thới Lới phun cách nay 1 triệu năm, có đường kính 0,35 km, cao 149 m. Đây là đài quan sát lý tưởng hấp dẫn du khách khi đến huyện đảo Lý Sơn. |
Nông dân Lý Sơn chuẩn bị những ụ cát đều tăm tắp để làm đất trồng hành, tỏi tạo bức tranh huyền bí trong buổi bình minh ở khu vực di tích Suối Chình. PGS.TS Vũ Cao Minh, Viện Địa Chất - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết riêng huyện đảo này có 10 miệng núi lửa. Trong số này, 6 miệng núi lửa ở đảo Lớn, 1 miệng ở đảo Bé và 3 miệng còn lại ngầm dưới đáy biển. |
Đến tham quan huyện đảo Lý Sơn, du khách đến di tích Suối Chình không chỉ chiêm ngưỡng rừng dừa cổ thụ giữa di sản văn hóa Sa Huỳnh 2.000 năm mà còn đắm mình trong ánh bình minh tuyệt đẹp đón ngày mới từ phía biển. |
Sắp vào mùa thu hoạch, cánh đồng hoa hành đồng loạt bung nở gần khu vực di tích Suối Chình trở thành "điểm hẹn" lý tưởng cho du khách chụp ảnh lưu niệm. Theo các chuyên gia, từ 2.000 năm trước, cư dân văn hóa Sa Huỳnh biết chọn phía nam chân núi Thới Lới và gần với nguồn suối nước ngọt để sinh sống, khai thác thủy sản dồi dào từ biển và nguồn rau, củ, quả từ núi. Năm 2000 và 2005, Viện Khảo cổ học Việt Nam từng phối hợp Sở Văn hóa thông tin Quảng Ngãi khai quật khảo cổ di tích văn hóa Sa Huỳnh Suối Chình. Năm nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục cấp phép cho Quảng Ngãi thăm dò, khai quật và bảo tồn di chỉ khảo cổ này gắn với Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh. |
Kết thúc đợt thăm dò mới đây, nhóm chuyên gia mới thăm dò phát hiện 6 mộ cổ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh 2.000 năm trước ở huyện đảo Lý Sơn. "Sáu mộ vò, mộ nồi và mộ đất có niên đại thế kỷ I, II sau Công Nguyên (SCN), tương đương 2.000 năm. Các mộ cổ này đều có di cốt của cư dân văn hóa Sa Huỳnh thuở xưa", tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi nhận định. |
Bình gốm hình trứng phát hiện ở di tích Suối Chình. Đồ tùy táng trong các mộ chum Sa Huỳnh là đồ trang sức hạt cườm đá, các khuyên tai, hạt cườm thủy tinh, hạt chuỗi chế tác từ vỏ tridacna (ốc tượng)... |
Vật dụng trang sức của cư dân Sa Huỳnh. Qua các lần khai quật, các nhà khảo cổ nhận định tầng văn hoá di chỉ Suối Chình có chứa gốm, vỏ nhuyễn thể, chủ yếu là ốc như ốc cừ, ốc hoa, ốc nhảy, ốc xéo, ốc tai tượng, ốc đụn, ốc chìa vôi, ốc bàn tay, sò trơn, sò gai... |
Mặt dây chuyền làm bằng vỏ sò điệp của cư dân Sa Huỳnh. Dấu tích các vỏ nhuyễn thể do con người sử dụng làm vật trang sức trong di chỉ cư trú đã phản ánh nguồn thủy sản từ biển là nguồn thực phẩm chính của cư dân văn hóa này. |
Vật dụng sinh hoạt và đồ trang sức của cư dân Sa Huỳnh được trưng bày giới thiệu ở Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi. Văn hóa Sa Huỳnh ở huyện đảo Lý Sơn gồm hai địa điểm: Xóm Ốc và Suối Chình có niên đại khoảng thế kỷ thứ V trước công nguyên kéo dài và chấm dứt ở thế kỷ thứ II sau công nguyên. Di tích Suối Chình được phát triển từ di tích Xóm Ốc có niên đại thế kỷ I, II sau công nguyên. |
Nhận thấy giá trị lịch lớn lao của "cái nôi" di sản văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi vừa đề xuất Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet lần đầu phát hiện ở Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có khoảng 200 mộ chum. Di tích khảo cổ đó được gọi là Dépot à Jarres Sa Huỳnh (nghĩa là kho chum Sa Huỳnh), niên đại từ 2.000-3.000 năm tập trung chủ yếu ở miền Trung Việt Nam.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi nhận định cùng với văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (miền Nam), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) là "ba cái nôi văn minh" xưa tạo thành tam giác văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.