Sâu trong trung tâm vùng núi của đảo Bali (Indonesia), giữa những rừng cây và những cánh đồng lúa tươi tốt là một thị trấn nhỏ được cho là trái tim tâm linh và văn hóa của hòn đảo này: Ubud.
Ra ngõ gặp đền
Ở Ubud, người dân có một niềm tin rằng các vị thần tồn tại trong các yếu tố của tự nhiên. Do đó, trong quan niệm của dân bản địa, thế giới tinh thần và thế giới con người liên tục tương tác với nhau.
Cửa hàng bán mặt nạ trên phố ở Ubud
Du khách sẽ thấy lễ tạ được đặt khắp dọc đường đi. Trong thị trấn luôn có những phụ nữ ngồi ở bậc thềm, mỉm cười và đan lá cọ thành những rổ canang sari đầy hoa để dâng lên đền thờ. Có thể nói, chuyện đánh giá đức hạnh của phụ nữ ở Bali đều dựa vào chuyện cúng kiếng có rành rọt và nhà cửa có mùi thơm hay không. Đền thờ ở khắp nơi. Ở các ngã ba, ngã tư đều có tượng một vị thần mặc xà rông sọc carô đứng gác.
Cỏ rối và hoa ở chợ để cúng thần linh
Không gian Bali nói chung hay Ubud nói riêng lúc nào cũng lơ lửng mùi trầm và mùi hoa; nào là hoa nhài, hoa ngọc lan và vô số loài hoa không biết tên. Đấy là một thứ mùi cúng lễ của tâm linh. Hoa sứ trở thành một biểu tượng ở vùng đất này. Sáng sớm đi vòng quanh chợ Ubud, thấy các chị ăn mặc nghiêm túc, tay cầm hoa sứ rưới nước làm lễ. Mâm cúng ở hòn đảo này không có đồ ăn, chỉ là năm loại hoa ngũ sắc và một loại cỏ rối đựng trong lá chuối. Đồ cúng thần linh được bỏ trong những cái tráp đan bằng lá cọ, lá dừa, phụ nữ đội lên đầu, mang trên vai vào đền.
Những món đồ lưu niệm xinh xắn
Đồ cúng thần linh được đặt trong những am nhỏ treo trên thân cây nêu. Đồ cúng cả thần thiện lẫn thần ác trong những chiếc đĩa lá dừa, đặt ở lối ra vào nhà hoặc bên những bụi cây. Dâng cúng thần thiện để cầu phù hộ, còn với thần ác để tránh tai họa.
Một ngôi đền ở Ubub
Buôn bán thong dong
Ông chủ nhà trọ nói với chúng tôi rằng một điều thú vị khác về Ubud là nơi đây hội tụ khá đầy đủ sản vật quốc tế. Nếu bạn bỏ lỡ loại thực phẩm nào đó từ một quốc gia nào khác, du khách có thể dễ dàng tìm thấy ở đây như của Nhật Bản, Mexico, Ý, Trung Đông...
Khi Ubud bừng tỉnh vào ngày mới cũng là lúc thích hợp để dạo chợ, mặc dù các quầy hàng mở cửa hơi trễ. Chợ Ubud chia ra làm 2 khu, khu buôn bán thực phẩm nhu yếu phẩm cho dân địa phương và khu chuyên bán đồ cho du khách. Những món đồ nghệ thuật tràn từ chợ ra đến ngõ phố khiến du khách ngỡ như lạc vào xứ cổ tích giữa không gian yên ả. Bạn có thể tìm được những cửa hàng vải Batik, những chiếc dreamcatcher bằng nhiều loại chất liệu, những cửa hiệu bán các chiếc ghế kỳ dị nhất trên đời hay hàng trăm con thú bằng gỗ tinh xảo như hươu cao cổ, chim cú mèo...
Người bán rất dễ tính, cửa hàng mở cửa toang hoác rồi đưa nhau đi đâu chơi hết, ai muốn coi gì cứ tự nhiên lựa chọn. Chúng tôi đến một cửa hàng hỏi mua xà bông tự làm, anh chàng say mê đàn ukulele, cất giọng hát cho chúng tôi nghe và bán với giá rẻ không ngờ vì đã làm khán giả. Hễ khi du khách mua bất cứ món gì, dù nhiều hay ít tiền, chủ cửa hiệu đều xòe những tờ tiền giấy rồi vẩy vẩy nhanh tay trên quầy hàng được bày bán mà theo họ là để cầu buôn may bán đắt.
Vùng đất y học
Vốn xuất phát từ tiếng Bali đọc là Ubad - có nghĩa là y học, Ubud từ lâu được biết đến như mảnh đất huyền bí, mang trong mình năng lượng chữa lành bệnh tật. Truyền thuyết kể rằng từ thế kỷ thứ VIII, thân quyến hoàng gia khắp nơi trên đảo đưa người bệnh đến Ubud để chữa trị và truyền thống này vẫn tiếp tục tới hôm nay.