Tôi nhiều lần rủ rê bạn bè cùng lên kế hoạch leo núi Ngọc Linh nhưng phải lỗi hẹn vì việc xin giấy phép khá khó khăn. Mỗi lần như thế tôi lại tự nhủ chắc mình chưa đủ duyên. Rồi duyên lành cũng tới khi một ngày đẹp trời, một người bạn cùng sở thích leo núi nhắn tin: "Đã xong xuôi các thủ tục xin phép, chuẩn bị chinh phục Ngọc Linh nhé!".
Niềm vui chinh phục đỉnh núi cao nhất Tây Nguyên Ảnh: BOKOR
Chúng tôi đến Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh ở xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum tầm 10 giờ. Sau khi xong xuôi các thủ tục giấy tờ, cả đoàn gồm 10 thành viên xuất phát leo núi lúc đầu giờ trưa.
Một con suối đầy rêu trên đường lên đỉnh Ngọc Linh Ảnh: BOKOR
Bắt đầu từ làng Long Năng, làng xa nhất của xã Ngọc Linh, theo những bờ ruộng bậc thang, chúng tôi đi sâu vào chân núi. Qua những con dốc nhỏ, bỏ lại những bờ ruộng phía sau, thay vào đó là những rừng cây đã bắt đầu rậm rạp và độ dốc cũng tăng dần.
Tuy rằng núi Fansipan (Lào Cai) cao hơn Ngọc Linh gần 600 m nhưng về độ khó thì leo Ngọc Linh vất vả không kém. Tôi đã đọc thông tin này trên mạng trước chuyến đi nhưng vẫn không khỏi choáng váng khi lên tới độ cao gần 2.000 m, khi phải vượt qua một thác nước đầy đá và rêu. Phía dưới là vực sâu, trên những tảng đá thì rêu xanh bám dày, nếu bất cẩn một bước chân sẽ bị trượt xuống vực. Lúc này trời đã nhập nhoạng tối, chúng tôi dò dẫm từng bước chân để vượt thác trong tâm trạng khá căng thẳng.
Vượt qua được thác nước thì những vách đá dựng đứng lại chờ phía trước. Trời đã sụp tối, cả đoàn tay cầm đèn pin, tay cầm gậy, mò mẫm bò lên những con dốc cao. Tôi đã bị trượt tay khi bám vào vách đá, suýt rơi xuống vực nếu không có một người địa phương chúng tôi thuê dẫn đường đi phía sau giữ lại kịp thời. Một thành viên khác vì sơ sẩy vịn phải cành cây mục đã trượt chân rớt xuống vực, may nhờ níu kịp gốc cây ở lưng chừng dốc nên đã bò lên lại được.
Lúc này trời đã tối đen như chỉ chực nuốt chửng ánh đèn pin của chúng tôi. Đêm giữa rừng đầy sương, càng lên cao không khí càng lạnh. Chân dường như không nhấc nổi nữa, cơ thể rã rời chỉ muốn dừng nhưng chúng tôi biết chỉ cần dừng lại, chợp mắt một tí là sẽ không bao giờ bước đi nổi nữa. Thế là cả đoàn động viên nhau phải di chuyển, dù nặng nề mệt nhọc, lặng lẽ đếm từng bước chân qua từng con dốc.
Sau nhiều giờ căng thẳng, 22 giờ, chúng tôi cũng đến được chỗ cắm trại ở độ cao 2.400 m. Chúng tôi ăn tối qua loa rồi ngả lưng để lấy lại sức cho một ngày dài phía trước. Đêm giữa rừng, trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe cái lạnh luồn vào túi ngủ, nghe tiếng gió lướt qua rào rạt và cả tiếng của những giọt sương rơi. Dù rất mệt nhưng có lẽ cái không khí rừng già thâm u làm ai cũng khó ngủ. Vì vậy mà mới 2 giờ, chúng tôi lại lục đục thức dậy khơi lại đống lửa sưởi ấm, đun nước nấu cà phê chờ trời sáng để chuẩn bị lên đỉnh.
Đường lên đỉnh không có đường mòn nên vừa đi vừa phải vạch lá, luồn cây. Sau khoảng một giờ luồn sâu trong những tán rừng còn ướt đẫm sương đêm, chúng tôi tới một khoảng đất rộng, nhiều thông và ánh sáng ngập tràn, nhìn từ xa thấy cái chóp sắt inox đánh dấu đỉnh núi, ai nấy cũng vỡ òa hạnh phúc.
Hôm ấy trời quang, đứng gió, chỉ có chút se lạnh của núi rừng, nhìn xung quanh là một vùng núi non xanh ngút ngàn, tầng tầng lớp lớp mây trắng xóa ở lưng triền núi, ai nấy như quên mất một ngày vất vả đã qua.
Nên thuê người dẫn đường
Núi Ngọc Linh cao 2.605 m, phần lớn diện tích thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Điểm xuất phát leo núi nằm ở xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei, cách trung tâm TP Kon Tum khoảng 121 km. Để leo núi phải xin giấp phép của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum. Sau đó là chữ ký, dấu mộc của UBND xã Ngọc Linh và Trạm Kiểm lâm xã Ngọc Linh.
Do đường đi hiểm trở, dễ lạc nên phải thuê người dân địa phương dẫn đường và hỗ trợ mang thức ăn, lều, bạt, chi phí khoảng 250.000 đồng/người/ngày.