Sáng thức giấc, anh Tưởng và chị Như ngắm nhìn cỏ cây, lắng nghe tiếng suối, tối cùng nhau nấu ăn, ngắm trời sao bên chiếc xe.
Giữa tháng 8/2020, sau khi bạn gái Phạm Như (36 tuổi, TP HCM) thổ lộ mong muốn du ngoạn trên camping car (xe cắm trại), anh Phạm Khắc Tưởng (50 tuổi, TP HCM) dành thời gian thay đổi một chút chiếc ôtô 7 chỗ như món quà tặng cô. Anh cho biết, đây cũng là ước muốn của anh khi về già, được rong ruổi, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người.
Anh Tưởng cho biết, chiếc xe được lăn bánh sau 10 ngày thi công rồi mới dần hoàn thiện từng chi tiết. Tới cách đây một tháng, anh mới ưng ý với tác phẩm của mình. Chiếc xe có diện tích không lớn nhưng có thể sử dụng làm phòng trà, phòng khách, chỗ nấu ăn vào ban ngày và phòng ngủ với một chiếc đệm vào ban đêm.
"Chiếc xe không đơn giản là nơi trú ngụ của 2 đứa trong những chuyến đi xa, mà còn là tổ ấm mà mình muốn dành tặng cô ấy. Mình hy vọng nó có thể giống như Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (phim truyền hình Mỹ), dù nhỏ bé nhưng có thể chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, đầy ắp tiếng cười, hạnh phúc", anh Tưởng nói.
Anh Tưởng áp dụng nguyên lý đa công năng cho diện tích nhỏ, hướng tới sự đơn giản, rõ ràng và quan trọng là không can thiệp vào kết cấu xe hay hàn thêm những đồ cố định. Anh làm khung được lợp gỗ thông phía sau để không gian thêm đẹp và sử dụng để ngồi, nằm. Bên dưới ván gỗ thông là tủ âm, dùng để đựng vật dụng sinh hoạt như bếp, nồi, chén đĩa, đồ pha cà phê, vòi sen tắm cao áp, dụng cụ cắm trại...
Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý, để cải tạo xe đúng luật, chủ xe cần xin phép các cơ quan chức năng như Cục đăng kiểm, Sở Giao thông Vận tải, nếu không có thể bị xử phạt theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Sau khi có chiếc xe, cặp đôi bắt đầu thực hiện kế hoạch đi du lịch vào mỗi cuối tuần và các dịp nghỉ lễ. Ban đầu là chuyến đi 10 ngày tới các tỉnh, thành miền Tây và Đông Nam Bộ. Chuyến đi được chia thành nhiều lần vì cả 2 không được nghỉ phép dài ngày. Trong chuyến đi thứ hai kéo dài 7 ngày, xe được gửi theo đường hàng không tới sân bay Nội Bài (Hà Nội), cặp đôi sau đó lái xe khắp các tỉnh Đông và Tây Bắc rồi chạy ngược về TP HCM. Các điểm đến trong hành trình đều là nơi hoang vắng, gần thiên nhiên như rừng Đà Lạt, hồ Dầu Tiếng (Bình Dương)...
Với anh Tưởng, ưu điểm mà chiếc xe đem lại là không gian riêng tư, giúp họ được hòa mình vào thiên nhiên, không còn phải lo tới việc chỗ ăn, chỗ nghỉ. Đặc biệt, trong dịp Tết khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, hàng quán đều đóng cửa, cả 2 vẫn có thể tới nơi không người, tự nấu ăn và nghỉ trên xe.
Điểm khác biệt cũng quan trọng nhất mà cặp đôi cảm nhận được trong mỗi hành trình là cảm giác thong dong thực thụ, không còn gò bó với những lịch trình. Mỗi sáng thức dậy, cả 2 cùng nhau nhìn ngắm những bãi cỏ xanh mướt mắt, lắng nghe tiếng rì rào của lá hay những đêm xung quanh là tiếng sóng vỗ và thoang thoảng mùi mằn mặn của gió biển.
Trong hành trình, hồ Ba Bể (Bắc Kạn) là điểm đến mà chị Như ghi nhớ nhất vì 2 lần gặp khó khăn. Lần đầu tiên vào giữa đêm, chiếc xe bị mắc kẹt do lún bánh xe. Lần thứ hai là khi băng qua dòng suối nước chảy xiết, anh Tưởng mất 2 tiếng đồng hồ bê đá tảng làm đường nhưng nhất định không cho chị động tay. Sau khi qua suối, phía trước là màn đêm tối đen, đường trơn trượt nhưng chiếc xe vẫn chạy. Khi ấy, 2 người trên xe tập trung tối đa để quan sát xung quanh, cuối cùng cũng đến nơi.
"Trong hành trình có những kỷ niệm đẹp cũng có những lúc khó khăn nhưng được cùng người yêu thương có chung sở thích vượt qua, với mình đó là những khoảnh khắc có tiền cũng không thể đánh đổi được", chị Như cười và nói.