Bãi lau sậy phía Đông Nam tượng đài 2-9 của thành phố Đà Nẵng ngày trước
Năm 2009 là giai đoạn mà du lịch Đà Nẵng bắt đầu khởi động cuộc trường chinh. Đường ven biển đã hình thành, và ngay lập tức người ta nhìn thấy những cơ sở kinh doanh mọc lên. Nhưng mật độ dân cư vẫn tập trung quanh khu trung tâm. Biên giới của đô thị vẫn chỉ được giới hạn từ khu vực cầu sông Hàn cho đến cầu Tiên Sơn.
Và đến năm 2019, bức tranh đã trở nên nổi tiếng toàn cầu: thành phố mang dáng vẻ của một đô thị lớn cấp quốc gia, suốt một dọc bãi biển từ Mỹ Khê đến Non Nước là các khu resort sang trọng. Đà Nẵng của hôm nay thậm chí là một địa chỉ đầu tư bất động sản sáng giá trên thị trường quốc tế, với các nhà đầu tư cá nhân đến từ nhiều quốc gia giàu có.
Quý I-2019, tờ báo Nhật uy tín Nikkei Asian Review nhận định Đà Nẵng đang cạnh tranh mạnh mẽ với Phukhet (Thái Lan) và Bali (Indonesia) nhờ hút lượng khách lớn của điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu châu Á này.
So sánh sự phát triển ở những quốc gia có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa khác nhau có lẽ khó hình dung. Hãy nhìn vào chính Đà Nẵng trong một thập kỷ qua: từ 2008 đến 2018, lượng khách du lịch tăng trưởng tới 463%, doanh thu tăng 15 lần. Năm 2007, cả Đà Nẵng chỉ có một resort 5 sao. 10 năm sau, nơi đây đã có những địa chỉ đủ khả năng đón tiếp những yếu nhân của thế giới tại APEC 2017.
Nhìn vào biểu đồ giai đoạn 2008-2018, số cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng tăng 5,4 lần, đặc biệt số lượng phòng 3-5 sao tăng tới gần 22 lần.
Đó là lượng. Còn về chất? Đôi bờ sông Hàn đang dần định hình sự hiện đại, sang trọng và xa hoa không kém nhiều thành phố lớn trong khu vực, với hàng loạt thương hiệu lừng danh thế giới: Hilton, Accor, Marriott, Sheraton… Gần 30 tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới rót tiền, tạo nên chuỗi resort 4-5 sao đẹp lộng lẫy bên bãi biển Mỹ Khê và tuyến đường "tỉ đô" Võ Nguyên Giáp nối Đà Nẵng với Hội An. Mới nhất năm 2019 là Tập đoàn Mikazuki của Nhật Bản đầu tư 100 triệu USD vào bãi biển Xuân Thiều, xây khách sạn 5 sao đầu tiên ở vịnh Đà Nẵng.
"Trong khi cơ sở hạ tầng đang là điểm yếu, cản trở du lịch phát triển, thì Việt Nam cần nhiều hơn những cơ sở như Bà Nà Hills hay Fansipan Legends", ông Kenneth M. Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch nói trong một cuộc phỏng vấn với báo chí hồi tháng 3-2019.
Đà Nẵng cũng khẳng định vị thế đầu bảng ở loại hình du lịch nghỉ dưỡng xa xỉ, đẳng cấp, với những cái tên không thể không nhắc đến như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort - 4 năm liên tiếp (2014-2017) là "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới" do World Travel Awards trao tặng; Premier Village Danang Resort được TripAvisor vinh danh "Khu nghỉ dưỡng biển dành cho gia đình sang trọng nhất thế giới 2018", Mercure Danang French Village Ba Na Hills là "Khách sạn lãng mạn nhất thế giới 2018"…
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort
Đà Nẵng có lời giải cho một nhan đề của không riêng gì du lịch mà mọi ngành kinh tế nói chung: cơ sở hạ tầng. Năm 2007, sau lời kêu gọi của chính quyền thành phố, Sun Group khởi công xây dựng tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ, tiền đề của quần thể du lịch Sun World Ba Na Hills. Một Tập đoàn khởi nghiệp ở nước ngoài bấy giờ vừa về Việt Nam đã đổ tiền ngay vào một dự án mà sau này chính vị chủ tịch hiện tại của Sun Group đã thừa nhận "khi ấy không dám nghĩ nhiều đến việc thu hồi vốn".
Từ 2008 đến 2018, lượng khách tham quan Bà Nà Hills tăng gấp 160 lần. Chưa hết, năm 2018 chứng kiến một "cơn bão truyền thông" và "cơn sốt check-in" dành cho Cầu Vàng - công trình kiến trúc độc đáo có một không hai tại khu du lịch này. Tới đây, Bà Nà Hills có thể sẽ có cầu đi bộ trên không, nhà hát với sức chứa 2.000 chỗ ngồi..., tiếp tục khẳng định thương hiệu khu du lịch giải trí hàng đầu Việt Nam.
Cầu Vàng - Sun World Ba Na Hills
Thành công của Sun World Ba Na Hills mở ra một đại lộ cho những tổ hợp vui chơi giải trí lớn như Sun World Danang Wonders, Helio Center, Cocobay... Từ vị thế một "điểm trung chuyển" giữa Huế và Hội An khoảng đầu những năm 2000, Đà Nẵng trở thành thành phố có nhiều điểm vui chơi giải trí hấp dẫn bậc nhất cả nước. Lao động hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch tăng 10 lần, lên 27.000 vào năm 2017. Trong đó, trên 60% có qua đào tạo và có trình độ ngoại ngữ, thêm một kết quả nữa mà nhiều thành phố du lịch khác phải phấn đấu rất nhiều.
Người ta còn có thể tìm thấy ở đâu khác trên đất nước Việt Nam một nơi mà ngay cả những cây cầu cũng có thể góp phần hút khách, phục vụ du lịch chứ không đơn thuần là để phục vụ giao thông? Cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước, cầu Tình Yêu, cầu Vàng… của Đà Nẵng đã làm được điều đó.
Ngày nay, đến với Đà Nẵng, du khách mọi lứa tuổi, quốc tịch, đều không khó để lựa chọn hành trình mà mình ưa thích: từ du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng biển, thưởng thức ẩm thực hay trải nghiệm các trò chơi cảm giác mạnh, giải trí lễ hội và các show diễn nghệ thuật tầm cỡ thế giới… bởi cơ sở hạ tầng du lịch đã phát triển mạnh mẽ, đa dạng và đồng bộ.
Tất nhiên, đây vẫn chưa phải là cái đích cuối cùng. Đà Nẵng sẽ còn phát triển vượt bậc hơn nữa khi hoàn thành dự án khai thông sông Cổ Cò, biến cảng Tiên Sa thành bến du thuyền quốc tế, quy hoạch xây dựng một thủy cung xứng tầm, các trung tâm mua sắm thời trang và hàng điện tử, kể cả các trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp chất lượng cao… cũng là điều cần thiết để mời gọi và níu chân du khách.
Nối dài chuỗi thành tích, Đà Nẵng vừa được tờ Thời báo New York lừng danh nước Mỹ giới thiệu trong Top 15 địa điểm đáng đến nhất thế giới năm 2019. Không nhiều người biết và nhớ hết được những danh hiệu, giải thưởng mà du lịch Đà Nẵng đã đạt được, nhưng khi nhắc đến thành phố này thì với phần lớn họ, hiện lên các từ "đáng đến" và "đáng sống".