Lẩu đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực lâu đời không chỉ ở Việt Nam mà khắp các nước Châu Á như Indonesia, Malaysia, Thái, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Tuy lẩu ở mỗi nơi mang một chất riêng, một hương vị khác biệt nhưng không thể phủ nhận rằng, đây là món ăn giúp mọi người quây quần bên nhau, khăng khít và gắn kết hơn.
Lẩu Việt Nam
Tuy không nức tiếng như phở hay bánh mì nhưng lẩu Việt cũng làm không ít người “mê mệt”.
Dẫu là từ vùng miền nào, thực khách cũng phải xuýt xoa bên cạnh nồi lẩu Việt thơm ngon ngọt nước. Nếu miền Bắc chuộng lẩu vịt om sấu, lẩu nấm, lẩu riêu cua với phần nước thanh, ngọt tự nhiên, thì ẩm thực miền Nam gắn liền với các món lẩu hương vị đậm đà hơn như lẩu cá kèo, lẩu mắm. Trong khi đó, miền Trung lại trội hẳn với lẩu cá lóc, lẩu cá đuối... bởi nguồn hải sản tươi ngon dồi dào.
Nét độc đáo không thể lẫn vào đâu của nồi lẩu Việt có lẽ là sự kết hợp hài hòa của các món lẩu cùng bún và các loại rau ghém đặc trưng như rau muống, lá cải, bắp chuối,…
Lẩu Thái
Nhắc đến lẩu Thái, chúng ta nghĩ ngay đến hương vị tôm hùm chua cay đặc trưng. Lẩu Thái vốn có nhiều màu sắc bắt mắt và mùi thơm quyến rũ không thể cưỡng lại được.
Tạo nên sự chua-cay-mặn-ngọt vô cùng riêng biệt hấp dẫn đó chính là lá chanh, nước cốt chanh Thái, ớt đỏ và gừng tươi. Nồi lẩu Thái thường được ngăn đôi, một bên là nước dùng đậm đà ăn cùng thịt ba chỉ và một bên là nước dùng có nhiều loại rau và thảo mộc cho thịt bò. Ngoài ra, các loại nước chấm tôn lên vị ngọt thơm của hải sản, thịt, rau củ… giúp kích thích vị giác tối đa cũng là yếu tố khiến lẩu Thái ghi điểm tuyệt đối.
Lẩu Malaysia
Ẩm thực Malaysia dễ khiến chúng ta bất ngờ bởi sự đa dạng và biến tấu muôn màu muôn vẻ. Món lẩu đường phố với tên gọi rất ngộ nghĩnh – Lok Lok chính là minh chứng cho điều đó.
Đây hẳn là sự lựa chọn như ý cho những ai yêu thích xiên que! Chỉ cần chọn những xiên thịt, cá, hoành thánh, rau củ hay đậu hũ và nhúng vào nước dùng nóng hổi là chúng ta đã trở thành người ăn Lok Lok đúng điệu. Thật khó chối từ những xiên que tiện lợi tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Lẩu Trung Hoa
Trung Quốc là cái nôi của loại hình ẩm thực này với vô số loại lẩu như lẩu Tứ Xuyên, lẩu Thượng Hải, lẩu hoa cúc Tô Hàng, lẩu hải sản Quảng Đông, lẩu khô Hồ Nam…
Trong đó lẩu Tứ Xuyên vang danh nhất với nước dùng cay xé lưỡi gồm 20 loại ớt, nhất là ớt Sichuan “đặc sản”. Đặc biệt, nổi lẩu có thể có hai hoặc chín ngăn để đặt từng loại nước lẩu khác nhau. Quan trọng không kém là nước chấm, ngoài việc làm tăng thêm hương vị, nó còn giúp làm nguội bớt phần nhân nóng hổi và khiến cho trải nghiệm lẩu Tứ Xuyên của thực khách được trọn vẹn hơn.
Lẩu theo kiểu Thượng Hải lại hướng về sự thanh đạm bổ dưỡng với các loại thuốc Bắc như hoài sơn, kỷ tử, hồng táo… Tuy mỗi loại mang một hương vị riêng nhưng nhìn chung nước lẩu đều được ninh từ xương và thịt tạo độ ngọt tự nhiên, vừa phải.
Lẩu Nhật Bản
Món lẩu ở xứ sở mặt trời mọc có thành phần chính là thịt bò xắt mỏng, rong biển, nước sốt và mè.
Nước lẩu Nhật không mạnh về gia vị nhưng lại bật lên được chất thanh nhẹ của các loại thảo mộc và rau củ. Hơn nữa, các loại nước chấm đặc trưng như nước sốt ponzu (chế biến từ các loại cam quít), củ cải bào, nước tương… cũng là “nét điểm xuyết” vừa ngon mắt vừa ngon miệng trên bàn ăn.
Tuy nhiên, điều khiến thực khách ấn tượng hơn cả chính là hình thức lẩu băng chuyền (kaiten) độc đáo. Đây được coi là một “phát kiến” xuất sắc trong nghệ thuật ẩm thực, thể hiện óc sáng tạo và sự tinh tế của đầu bếp Nhật.
Thực khách sẽ cùng ngồi vào chiếc bàn dài được dọn sẵn nước dùng và chỉ việc chọn những đĩa thức ăn di chuyển liên tục trên băng chuyền. Một người một nồi nước lẩu riêng, ăn những gì mình thích và không hề ảnh hưởng đến người đi cùng, đó là cách lẩu băng chuyền thể hiện sự linh hoạt và chu đáo đối với mỗi “thượng đế”.