Để sở hữu những bức ảnh độc đáo và ấn tượng như vậy cũng không quá khó. Từ Sài Gòn, chỉ cần xách ba lô lên và… nhích khoảng 70 km là đã đến với “cánh đồng cừu”.
Từ một khu đất trống khô cằn, dưới chân núi Thị Vải, quanh năm nắng cháy da, nhưng từ khi có vài hộ dân thả cừu ăn cỏ, con đường Phước Tân - Hội Bài, đoạn ngang qua xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức) trở thành một địa chỉ du lịch yêu thích của giới trẻ. Họ rủ nhau tới đây để chụp và lưu lại những tấm hình độc đáo, lạ với đàn cừu.
Cánh đồng cừu là nơi thu hút nhiều du khách trẻ trong vài năm trở lại đây
Một ngày cuối tháng 6, Sài Gòn bất chợt mưa, bất chợt nắng, tôi theo bạn là tay chơi mô-tô mê phượt tới xã Suối Nghệ, nơi mà thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ hào hứng rủ nhau “khoe” những tấm hình đẹp bên đàn cừu trên facebook, instagram. Vài chiếc ô tô chở cô dâu chú rể và vài chiếc xe máy của khách đường xa để ngay ngoài lộ. Từ lộ, phóng tầm mắt chúng tôi nhìn thấy giữa bãi cỏ xanh ngút (có lẽ do vào mùa mưa), những đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ, khung cảnh thiên nhiên vừa hoang dã vừa thơ mộng.
Cậu bé chăn cừu nước da đen nhẻm, đôi mắt hoang dã vùng nắng gió quanh năm khô cằn đã tạo nên sự gai góc trong ánh nhìn vừa đưa tay nhón những hạt bắp (ngô) từ trong cái bị, vừa lùa đàn cừu tập trung cho một đôi nam nữ gần đó chụp hình, tạo dáng.Nắng lên, nắng rẽ từ phía núi Thị Vải ù à ù ập phủ óng khu đất hoang, những chú cừu thong dong trên đồng cỏ, màu lông được nắng rọi óng ánh vàng, thi thoảng một vài chú cừu con kêu “be be be…” khi được những du khách bế lên để chụp hình rồi cưng nựng. Đáng yêu nhất là những chú cừu non, với bộ lông mềm, trắng muốt nhìn chúng hiền queo trông thật đáng yêu. Nếu nói loài vật nào hiền nhất, tôi nghĩ nên phong tặng danh hiệu đó cho loài cừu.
Một cô dâu rất thích thú tạo dáng, dựng cảnh để thực hiện những “shoot” ảnh cưới dễ thương với cừu non.
Để tạo thêm sự hấp dẫn cho du khách, một số chủ đàn cừu còn “tậu” thêm vài chú ngựa thả chung với cừu để khách tha hồ chụp choẹt đúng theo phong cách “du mục”.
Anh chàng nài ngựa, thân hình rắn rỏi, nước da rám nắng, mái tóc để dài chớm cổ còn ‘khét’ mùi nắng dắt chú ngựa màu nâu lượn một vòng rồi nhảy lên phi nước đại trước ánh nhìn tò mò của khách bộ đường.
Gã tâm sự: quê Nam Định, trôi dạt đến vùng đất khô cằn này chăn cừu, 30 năm lẻ rồi chưa về quê. Nắm bắt nhu cầu của số đông bạn trẻ, nhất là các bạn nữ ưa phong cách ‘du mục’, di-gan, gã đã tậu thêm chú ngựa để khách thỏa chí chụp hình. Mỗi lần chụp hình và cưỡi ngựa một vòng, gã chỉ lấy giá 50 nghìn đồng và rất nhiệt tình nếu có ai đó nhờ chụp hình.
Theo gã cho biết, ở đây có 3 đàn cừu, mỗi đàn chừng 150 con. Các hộ nuôi cừu chủ yếu là để bán lấy thịt và lông. Nhưng nhờ cái “duyên” mà hình ảnh những đàn cừu gặm cỏ đã tạo cảm hứng cho nhiều du khách hiếu kỳ đến xem và chụp hình. Người nọ truyền người kia, và cũng nhờ sức lan tỏa từ các trang mạng xã hội, số người đổ về xem và chụp hình với cừu ngày càng đông.
"Gã" nài ngựa
Nắm bắt cơ hội “kinh doanh”, những người chăn cừu đã phục vụ nhu cầu của khách với mức phí từ 50 - 100.000 đồng/ nhóm khách, để trả công cho việc dẫn cừu, gọi cừu, nâng cừu… cho khách chụp hình. Khách chủ yếu là các bạn trẻ và cô dâu chú rể chụp hình lưu lại những khoảnh khắc đẹp.
Theo những người nuôi cừu ở đây, thường 6 giờ sáng họ thả cừu ra ăn cỏ, khoảng 10 giờ trưa lại đưa cừu về chuồng. Buổi chiều, họ thả cừu từ 2 giờ đến 6 giờ. Do vậy, thời gian lý tưởng nhất để “săn” hình với cừu là từ 8 -10 giờ sáng và từ 3 - 4 giờ chiều. Để chụp được những tấm hình ưng ý, du khách nên nhờ những người chăn cừu hỗ trợ trong việc lùa cừu, tránh tự tiện xông vào giữa đàn cừu tạo dáng chụp ảnh, đàn cừu sẽ sợ và chạy mất.