“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”
Vua Jigme Singye Wangchuck nói với phóng viên New York Times từ năm 1991 được National Geographic trích dẫn lại trong một số báo chuyên đề về Bhutan: “Là một đất nước nhỏ, chúng tôi không có sức mạnh về kinh tế. Chúng tôi không có lực lượng quân sự mạnh, không có một vai trò lớn trên quốc tế bởi dân số quá bé nhỏ và cũng bởi chúng tôi là một đất nước khép kín. Yếu tố duy nhất có thể gia tăng sức mạnh chủ quyền của Bhutan và bản sắc độc đáo của chúng tôi là văn hóa”.
Một căn nhà ven đường từ sân bay vào TP Paro, thật duyên với cây hoa đào trước sân.
Thật ấn tượng khi tình cờ đọc được điều này từ chia sẻ của một người bạn đã nhiều lần đến Bhutan và lại chuẩn bị khám phá cái độc đáo này thêm lần nữa. Tôi xin được tháp tùng cùng anh.
Hàng hoa đào hồng thắm của một con đường nhỏ tại TP Paro. Thật tuyệt vời và thật thanh bình
TP Paro từ xa với sắc thắm hoa đào mùa xuân
Ấn tượng đầu tiên phải kể là chính sách thu hút du lịch khác biệt của chính phủ Bhutan: “quý hồ tinh bất quý hồ đa” (cách mà người Việt thường nói, nhưng ít khi làm) nghĩa là ít mà tinh túy hơn là có nhiều! Riêng việc ấn định lệ phí khi đặt chân lên Bhutan từ 200 đến 250 USD/du khách/ngày (tùy theo mùa) đã hạn chế một số lượng đông đảo khách “balô”, vốn là những người đi du lịch rất tiết kiệm.
Tiger's Nest trên vách núi cheo leo. Chụp từ trạm dừng chân nửa đường leo lên
Với số tiền ấy, nếu không vì một hấp lực đặc biệt từ đất nước này, người ta sẽ lựa chọn một chuyến châu Âu hay Mỹ, chứ không đến xứ sở 60% diện tích là rừng bao phủ, 1/4 lãnh thổ là công viên quốc gia và những thành phố nho nhỏ, các dzong (pháo đài/tu viện) lọt thỏm giữa dãy núi Himalaya trùng điệp.
Tiger's Nest thật hùng vĩ. Còn hai lần dốc đứng nữa là tới
Một ngôi nhà bên gốc đào cổ thụ, thật tuyệt vời phải không
Một con đường mòn lên núi
Một ngôi nhà trên đường lên Tiger's Nest
Không bạo lực, không trộm cướp
Quốc giáo Bhutan là Phật giáo. Mỗi con người nơi đây đều thấm nhuần từ nhỏ các triết lý của đạo Phật, hướng con người đến đạo đức thuần khiết, đó là con người lương thiện với sự lành mạnh, trong sáng trong lối sống. Sự thân thiện hoà nhã, không mưu cầu cao sang, không ganh tỵ mà sẻ chia là những cảm nhận dễ thấy khi tiếp xúc với con người nơi này.
Một ngôi làng thanh bình trong thung lũng, phía xa là dãy núi tuyết trong dãy Himalaya
Mỗi người mỗi vẻ chú tâm vào từng điệu múa trong lễ hội
Mọi người tấp nập về dự lễ thượng bức trướng Thongdroel
Cầu nguyện và chuẩn bị hạ trướng Thongdroel khi trời ló dạng
Ắt hẳn đây là nền tảng tạo nên một xã hội hầu như không bạo lực, không trộm cướp. Chính những nền tảng đạo đức, theo một cách nào đó, hòa hợp đặc biệt với tự nhiên, là nhân tố gìn giữ sắc thái nơi đây.
Rinpung Dzong trong buổi sớm lễ Thongdroel
Trật tự, và xinh tươi đi dự lễ hội
Các thiếu nữ dự lễ Thongdroel
Trang phục truyền thống cũng là nét văn hoá đặc trưng của xứ này. Với đàn ông ở đây là “gho”, một áo choàng với đai thắt ngang bụng, phần áo phía trên đai thắt khi kéo thụng xuống sẽ thành chiếc túi đựng rất tiện dụng, bên trong có thể mặc áo lót (áo phông), chân đi giày và vớ cao đến đầu gối. Khi trời nóng có thể lột phần trên để lộ áo phông. Phụ nữ mặc “kira” gồm váy phủ chấm gót và áo dài tay.
Thiếu nữ với trang phục truyền thống say mê với điệu múa
Dòng người tươi vui trẫy hội
Thời tiết là điều làm ta cảm nhận sự khác biệt rõ rệt khi đặt chân đến Bhutan. Ra khỏi máy bay ở sân bay Paro, không khí mùa xuân mát lạnh và trong lành đến lạ kỳ làm ta quên ngay cảm giác của chuyến bay khá dài. Thiên nhiên tuyệt hảo của núi rừng, cây cỏ vùng cao được bảo tồn cẩn trọng đã cho ta một sự thanh thoát trong từng nhịp thở.