"Mang tiếng" thuộc địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái nhưng đa phần học sinh của trường là con em dân tộc, kinh tế gia đình khó khăn nên mỗi năm, Trường Mầm non Hạnh Sơn luôn phải "cân đo, đong đếm" để mức đóng góp trên mỗi học sinh là thấp nhất có thể. Do đó, nguồn kinh phí để đầu tư vào cơ sở vật chất nhà trường vô cùng hạn chế.
Nỗi niềm học sinh có giường để ngủ
Cô Vũ Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hạnh Sơn, cho biết toàn trường có tất cả 343 học sinh học tập tại 2 địa điểm trường. Theo đó, điểm học phụ nằm cách điểm học chính khoảng 2 km, có 4 phòng học thì 2 phòng bán kiên cố, còn lại 2 phòng là phòng học tạm, được dựng bằng thép, tôn.
"Trăn trở nhất của chúng tôi là cả hai điểm học tập đều không có giường, sập ngủ, mỗi khi ngủ chúng tôi phải trải các tấm xốp trên nền rồi trải chiếu lên cho các cháu nằm. Ngoài ra, vừa rồi, đoàn kiểm tra của thị xã xuống kiểm tra bếp ăn, yêu cầu chúng tôi phải có chạn bát để đảm bảo vệ sinh bếp ăn. Chúng tôi hứa khắc phục nhưng suy nghĩ mãi cũng chưa biết lấy nguồn nào để mua" - cô Yến thổ lộ.
Theo cô Yến, do việc huy động xã hội hóa của nhà trường gặp vô vàn khó khăn, đa phần gia đình các em học sinh đều có điều kiện kinh tế hạn chế. Có những gia đình tiền học, tiền ăn cho con cũng không có để nộp, nói gì đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường.
"Năm vừa rồi, bản thân tôi còn phải nhận đỡ đầu 1 cháu, bỏ tiền túi ra đóng tiền ăn cho con, vì sau nghỉ dịch, gia đình không có tiền nộp nên không cho con đi học. Rất nhiều phụ huynh cho con đi học nhưng không có tiền để mua đồ dùng học tập, làm sao vận động đóng góp để xã hội hóa được" - cô Vũ Thị Yến kể.
Biến uớc mơ thành hiện thực
Hôm 30-9, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) chính thức vận hành hệ thống kinh doanh xổ số tự chọn tại tỉnh Yên Bái. Nhân dịp này, Vietlott đã thực hiện trao tặng 4 căn nhà đại đoàn kết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, và tài trợ cơ sở vật chất đến các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trường Mầm non Hạnh Sơn may mắn là 1 trong 2 trường trên địa bàn được tài trợ cơ sở vật chất trong chương trình thiện nguyện của Vietlott.
Vietlott khởi công xây dựng 4 căn nhà đại đoàn kết tại Yên Bái
"Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ xin được nguồn tiền hỗ trợ nào từ các doanh nghiệp nên nghe tin Vietlott có hoạt động từ thiện, chúng tôi mừng lắm. Phía Mặt trận Tổ quốc và doanh nghiệp hỏi cần hỗ trợ gì, tôi nghĩ ngay phải xin kinh phí để mua cái sập ngủ cho các con, đồng thời mua cái chạn để đảm bảo vệ sinh bếp ăn. Hôm rồi họp phụ huynh, tôi thông báo tin vui này, tất cả phụ huynh đều vô cùng mừng. Chúng tôi vô cùng cảm ơn Vietlott!" - cô Yến xúc động nói.
Vietlott tài trợ cơ sở vật chất đến các trường học tại Yên Bái
Ông Phạm Ngọc Tú - Phó Tổng Giám đốc Vietlott - cho biết, trong quá trình triển khai kinh doanh, bên cạnh đóng góp nguồn thu ngân sách cho các địa phương thì công tác an sinh xã hội cũng được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, sau 4 năm, Vietlott đã nộp ngân sách các địa phương gần 4.500 tỉ đồng. Nguồn tiền này được các địa phương sử dụng đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, chống biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới và công trình phúc lợi xã hội khác. Toàn bộ hệ thống Vietlott (đối tác, đại lý, điểm bán hàng, khách hàng trúng thưởng) đã thực hiện hàng trăm hoạt động an sinh xã hội trên mọi miền Tổ quốc với tổng kinh phí khoản 45 tỉ đồng. Trong đó tập trung hỗ trợ các chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ học sinh, trẻ em và người cao tuổi, người nghèo và các đối tượng gặp khó khăn khác.
Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, hàng loạt nhà tình nghĩa, cầu dân sinh đã được Vietlott đóng góp xây dựng; trao nhiều học bổng, hỗ trợ các đơn vị, tổ chức vật chất, kinh phí chống dịch Covid-19… với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng. Đặc biệt, hoạt động mới nhất của Vietlott là phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC ra mắt chương trình thiện nguyện "Trao cơ hội, Nối ước mơ" để lan tỏa sự yêu thương trong xã hội.