Trăn trở cây nha đam ở xứ nắng và gió
Trước đây, nha đam tại Ninh Thuận phát triển chủ yếu với diện tích nhỏ, sản lượng thấp và quy trình chưa tối ưu. Sau thời gian phát triển thị trường, tạo dựng thương hiệu và uy tín trong mảng sản xuất nha đam, năm 2011, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C thành lập nhà máy sản xuất nha đam theo tiêu chuẩn xuất khẩu để hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân Ninh Thuận. Đến năm 2014, ông chính thức thành lập Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm).
Vùng nguyên liệu nha đam tại Ninh Thuận
Tại vùng đất nắng gió, cây nha đam được trồng phổ biến nhưng đầu ra lại bấp bênh, nhiều khi không ai thu mua, người dân phải chặt bỏ. Thương bà con nông dân, ông Thứ trăn trở, bắt đầu tìm hiểu và nhận ra đây là thực phẩm có nhiều ưu điểm về mặt sức khỏe, nhiều công dụng từ thực phẩm đến hóa mỹ phẩm.
"Chúng tôi muốn tận dụng tối đa những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Những thứ không còn tận dụng được để phục vụ cho con người cũng có thể chế biến để đưa nó trở lại với vòng quay của đất. Không để tài nguyên bị lãng phí" - Ông Thứ chia sẻ.
Những ngày đầu, quy mô nhà máy nhỏ, máy móc còn thô sơ nên chưa tiêu thụ được số lượng lớn nha đam. Việc đưa ra những yêu cầu kỹ thuật theo quy chuẩn gặp nhiều khó khăn do bà con chưa hiểu. Để thúc đẩy nha đam trở thành cây trồng chủ lực của Ninh Thuận, Công ty đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giải pháp chăm sóc cây trồng hiệu quả, và mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời, giúp nông dân tiếp cận nguồn tài chính để đầu tư mở rộng diện tích trồng nha đam.
Xanh lại cây nha đam trên vùng đất khó
Đến nay, GCF đang sở hữu nhà máy chế biến nha đam có quy mô hàng đầu cả nước với công suất 35.000 tấn lá tươi/năm, tương đương 15.000 tấn thành phẩm. Các sản phẩm chế biến từ nha đam của GCF đã xuất khẩu sang 20 thị trường, trong đó có những nơi khó tính như Nhật bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ…; đồng thời đẩy mạnh bán lẻ qua nhiều hệ thống phân phối.
Sản xuất nha đam tại Công ty CP thực phẩm Cánh Đồng Việt, Khu công nghiệp Thành Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận
Thực hiện Chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025, VietFarm cũng tiến hành triển khai thực hiện Mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam tại xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5 - 7 lần so với trồng bắp, góp phần khẳng định liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo cho khu vực nông thôn, miền núi.
Tại vùng đất Ninh Thuận, nha đam là cây trồng hiệu quả với lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha. Thông thường, mỗi hộ nông dân có diện tích canh tác 2.000 – 5.000 m2, tương đương khoản lợi nhuận 60 – 150 triệu đồng/năm – đây là mức thu nhập tốt tại địa phương. Ngoài đem lại giá trị về kinh tế, việc xây dựng một vùng nha đam tập trung gắn với nhà máy chế biến đã tạo mảng xanh thiết thực cho vùng đất nắng gió.
Chú trọng chế biến chuyên sâu
Cây nha đam, với khả năng chịu hạn và ít yêu cầu chăm sóc, đã trở thành loại cây tiềm năng, lợi thế cho Ninh Thuận. Tuy nhiên, việc phát triển nghề trồng cây nha đam ngoài việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển giống, sản xuất, thu hoạch và chế biến sản phẩm luôn cần có thị trường ổn định để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo nguồn thu nhập của nông dân được ổn định bền vững.
Để tiếp tục đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sau thu hoạch một cách đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C chia sẻ: "Muốn sản xuất và chế biến nông sản, doanh nghiệp cần đi từ nguyên liệu tốt, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và thu hút được các thị trường tiêu thụ trên thế giới, GC Food luôn giữ vững 3 tiêu chí trên để có hương đi phù hợp trong nhiều năm qua".
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C
Mục tiêu của công ty trong 3 năm tới sẽ là doanh nghiệp chế biến nha đam lớn nhất Đông Nam Á và 10 năm tới sẽ là số 1 châu Á. Để làm được điều đó, trước hết, Công ty sẽ phát triển vùng nguyên liệu, tập trung cánh đồng mẫu lớn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao 500-1000 hecta, xây dựng thương hiệu quốc gia về cây nha đam, chỉ dẫn địa lý cho cây nha đam. Bên cạnh đó, nâng cao chuỗi giá trị cây nha đam. Ngoài thạch nha đam, VietFarm sẽ đa dạng các sản phẩm từ nha đam như sản xuất hóa mỹ phẩm, nước giải khát… góp phần mở rộng danh mục sản phẩm của công ty trong thời gian tới.