Sự kiện có sự tham gia của Ông Trần Đức Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương; Ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo và cán bộ phụ trách của Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương; Lãnh đạo và chuyên gia các đơn vị thành viên Tập đoàn FPT cùng đại diện gần 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Trần Đức Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương cho biết: "Hải Dương là một trong những tỉnh tiên phong ban hành chính sách chuyển đổi số toàn tỉnh và là tỉnh đầu tiên trên cả nước có ngày chuyển đổi số. Tỉnh Hải Dương đã và đang tập trung triển khai thể chế, chính sách cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Đặc biệt, tỉnh chú trọng đẩy mạnh cung cấp các thông tin về đầu tư và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tương tác với các cơ quan nhà nước qua môi trường điện tử. Trong thời gian tới, Hải Dương sẽ triển khai nhiều chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn như: đăng ký thành lập mới; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến công; hỗ trợ đào tạo quy trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ lãi suất".
Ông Trần Đức Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội thảo.
Tính đến năm 2022, có hơn 98% doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc nhóm vừa và nhỏ. Bài toán lớn đặt ra cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại là làm sao để bắt nhịp cùng những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số của thế giới. Nếu tận dụng tiềm năng chuyển đổi số để thúc đẩy vận hành và kinh doanh của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ các tổ chức mà nền kinh tế số Việt Nam cũng sẽ có bước đột phá lớn.
Ông Nguyễn Minh Kha - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương chia sẻ các thông tin cập nhật về khuyến nghị chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin Truyền thông, giới thiệu các nền tảng giải pháp được Bộ công nhận cũng như nền tảng đánh giá mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp. "Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xác định hiện trạng của doanh nghiệp, sau đó đặt ra mục tiêu chuyển đổi số và tìm phương hướng phù hợp, cuối cùng thiết kế, chọn lựa giải pháp và xây dựng lộ trình thực hiện" - ông Kha nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Kha, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương chia sẻ về định hướng chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của Hải Dương
"Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 266 doanh nghiệp công nghệ số, 187 doanh nghiệp nền tảng số, 8.330 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99,58%. Năm 2022, kinh tế số chiếm khoảng 14,36% GRDP toàn tỉnh. Với việc xác định cơ sở sản xuất kinh doanh là lực lượng nòng cốt triển khai ứng dụng công nghệ số trong khi nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường phát triển; cùng với các giải pháp phát triển, chuyển đổi số và kinh tế số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và hoạt động trong môi trường kinh tế số, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như cả nước. Trong thời gian tới, Sở Công thương Hải Dương sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển Kinh tế số ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030" theo Quyết định số 1753/QĐ-BCT ngày 6-7-2023 của Bộ Công Thương", ông Vũ Công - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Sở Công thương Hải Dương cho biết.
Ông Vũ Công - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Sở Công Thương Hải Dương chia sẻ tại hội thảo.
"Là đơn vị có sứ mệnh tiên phong dẫn dắt hành trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Tập đoàn FPT đang không ngừng nỗ lực mỗi ngày để giúp tạo ra những giải pháp hữu ích, giúp kiến tạo giá trị mới tới mọi ngành nghề lĩnh vực trong xã hội, trong đó có các doanh nghiệp, vì chúng tôi hiểu hơn ai hết, doanh nghiệp là động lực tăng trưởng của nền kinh tế mỗi quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam có sứ mệnh đóng góp vào sự hưng thịnh của quốc gia, và không cách nào khác ngoài việc đẩy nhanh tốc độ của nền kinh tế số. Khi ngày càng nhiều dịch vụ, hoạt động sản xuất, hay quy trình tạo ra giá trị cốt lõi phụ thuộc vào CNTT, nền kinh tế số sẽ dần trở thành chỉ còn là "nền kinh tế" - yếu tố số trở thành điều tất yếu, việc vận hành, kinh doanh trên nền tảng số sẽ là điều bắt buộc. Như vậy, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, doanh nghiệp nào tận dụng được thời cơ, cơ hội đi nhanh hơn để chiến thắng sớm hơn. Trong tương lai không xa, điều hành doanh nghiệp theo thời gian thực và ra quyết định dựa trên dữ liệu tức thời sẽ là tiêu chuẩn để các doanh nghiệp sống sót và tồn tại", ông Thân Minh Ngọc - Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Phó Giám đốc Khối Doanh nghiệp, Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS).
Ông Thân Minh Ngọc - Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Phó Giám đốc Khối Doanh nghiệp, FPT IS đề xuất các giải pháp Made by FPT thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với kinh nghiệm đồng hành cùng hàng ngàn doanh nghiệp, thấu hiểu cách thức vận hành, các bài toán cốt lõi, FPT xây dựng hệ sinh thái giải pháp số toàn diện bao trùm mọi hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với nhóm khách hàng vừa và nhỏ, với thời gian ứng dụng chỉ từ vài tuần tới vài tháng. Trước bài toán băn khoăn về lộ trình chuyển đổi số, làm thế nào để kiến tạo nền tảng dữ liệu cho doanh nghiệp, ông Ngọc đưa ra đề xuất của FPT từ phương pháp luận FPT Digital Kaizen là khởi động thông minh, bằng cách đi tìm điểm nhức nhối nhất trong tổ chức, đưa ra sáng kiến – tìm giải pháp và triển khai ngay ở quy mô nhỏ, khi có kết quả thì nhân rộng nhanh chóng và tiếp tục mở rộng tháo gỡ các nút thắt khác. Từ việc ứng dụng các giải pháp trong tối ưu vận hành, tăng tốc kinh doanh và hạ tầng linh hoạt này kiến tạo cho doanh nghiệp văn hoá quản trị số và thiết lập quy trình thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu, từ đó đề xuất những báo cáo giúp lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh chóng, hiệu quả.
Các chuyên gia công nghệ Tập đoàn FPT đã giới thiệu các giải pháp tiêu biểu phù hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với nhóm giải pháp tối ưu vận hành, FPT đề xuất doanh nghiệp ứng dụng nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn. Được xây dựng theo mô hình SaaS (Software as a service), với các ứng dụng chuyên sâu, có khả năng kết nối linh hoạt, mạnh mẽ cùng các phần mềm trong và ngoài nền tảng, Base.vn hiện tập trung giải quyết những bài toán cốt lõi trong doanh nghiệp, bao gồm: quản lý công việc, quản lý thông tin, quản trị nhân sự và quản trị tài chính.
Base.vn có thể giải quyết những bài toán cốt lõi trong doanh nghiệp.
Base.vn tập trung sáng tạo và cải tiến sản phẩm, ứng dụng những công nghệ tiên tiến (Big Data, AI) vào sản phẩm để doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả SMEs, dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm những công nghệ mới nhất trên thế giới. Với hệ sinh thái hơn 8.000 khách hàng doanh nghiệp, Base.vn đã trở thành thương hiệu nền tảng công nghệ quản trị uy tín hàng đầu Việt Nam.
Với nhóm giải pháp tăng tốc kinh doanh, FPT giới thiệu hệ sinh thái giao dịch số cho doanh nghiệp. Trong đó, Giải pháp Hợp đồng điện tử - FPT.eContract giúp doanh nghiệp có thể tiến hành ký kết trên một nền tảng chung thống nhất tại mọi thời gian, không gian, chỉ cần có thiết bị điện tử kết nối Internet. Trong 3 năm ra mắt, Hợp đồng điện tử - FPT.eContract hiện trở thành một trong những giải pháp dẫn đầu trên thị trường ký kết điện tử với những dấu ấn như: Hơn 2.000.000 giao dịch, hơn 4.000.000 đối tác ký và hơn 1.500 khách hàng doanh nghiệp đã và đang ký kết từ xa trên nền tảng FPT.eContract, tiêu biểu như: VNPay, Vietjet, Be, Tiki, 30Shine...
Doanh nghiệp ký kết dễ dàng và bảo mật với giải pháp Hợp đồng điện tử - FPT.eContract.
Hóa đơn điện tử - FPT.eInvoice là giải pháp hỗ trợ khách hàng lập, ký duyệt hóa đơn điện tử 24/7, đáp ứng quy định về thành phần chứa dữ liệu hóa đơn điện tử, phương thức truyền nhận với cơ quan Thuế. Bên cạnh đó, FPT.eSign là giải pháp ký số dẫn đầu thị trường Việt Nam với hơn 70% thị phần, cấp phát hơn 10.000.000 chứng thư số mỗi năm.
Trong nhóm giải pháp hạ tầng linh hoạt, FPT Telecom International (FTI) đã ký kết chiến lược với Aruba Việt Nam để cung cấp giải pháp mạng toàn diện cho nhóm khách hàng vừa và nhỏ. Aruba là đơn vị dẫn đầu về đường truyền và có nhiều công nghệ trong hệ thống mạng, giúp quản lý tập trung, sử dụng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán lỗi và xử lý nhanh. Đối tượng FTI hướng đến tập trung vào nhóm SME, doanh nghiệp khởi nghiệp… thông qua liên kết với đối tác lớn để cung cấp các phần mềm giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Với tiềm lực sẵn có cùng các gói dịch vụ toàn diện, Aruba và FTI đặt mục tiêu chiếm 30% thị trường SME tại Việt Nam vào năm 2025.
FTI hợp tác với Aruba Việt Nam để cung cấp giải pháp mạng toàn diện cho nhóm khách hàng vừa và nhỏ.
Với hệ sinh thái giải pháp toàn diện cho mọi hoạt động của doanh nghiệp, FPT kỳ vọng song hành hiệu quả cùng doanh nghiệp tại Hải Dương nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung triển khai nhanh chóng, mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số, kiến tạo nền tảng và lợi thế kinh doanh bền vững.