Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông David Dương xoay quanh những dự định của ông tại Việt Nam.
Phóng viên: Được biết tháng 7 tới đây, ông sẽ đưa đoàn chính trị gia một số thành phố lớn tại Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chuyến đi này?
- Ông David Dương: Khi xem báo, nghe đài biết rằng doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, thị trường xuất khẩu, nhiều người lao động mất việc làm... khiến tôi rất tâm tư, trăn trở. Tôi muốn được góp phần sức lực nhỏ nhoi vào công cuộc phục hồi kinh tế, đưa nhiều doanh nghiệp Mỹ, kiều bào Mỹ về Việt Nam đầu tư. Ý định này ấp ủ từ cuối năm 2022 đến nay và khi mọi chuyện đã sẵn sàng, cuối tháng 7-2023, tôi sẽ đưa đoàn chính trị gia gồm 4 thị trưởng của 4 thành phố ở Mỹ cùng những nghị sĩ dân biểu và khoảng 10 doanh nghiệp Mỹ, trong đó có những doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xây dựng muốn về Việt Nam tìm nguồn cung cấp sắt, thép.
Ông David Dương, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc CWS và VWS
Đặc biệt, trong đoàn còn có các ngân hàng và sự tham gia của tỉ phú Mỹ Douglas M. Leone - người đang nắm một quỹ đầu tư khoảng 80 tỉ USD đang có ý định tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Dự kiến, đoàn có 15-20 người về Việt Nam và đến nhiều tỉnh, thành như TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM… tìm hiểu, tham quan một số doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư tại Việt Nam.
Những doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam lần này không chỉ tìm cơ hội đầu tư, tìm thêm những doanh nghiệp Việt xuất khẩu để nhập hàng trực tiếp mà còn tìm hiểu thị trường. Đối với vị tỉ phú Mỹ - Douglas M. Leone, ông tin tưởng chúng tôi nên muốn đầu tư vào dự án của VWS và những dự án mà chúng tôi giới thiệu.
Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam gặp một số khó khăn, ông có lo ngại cho chuyến đi lần này?
- Tôi cho rằng khó khăn về kinh tế là tình hình chung toàn cầu chứ không riêng ở Việt Nam. Nhưng nơi nào càng khó khăn thì cơ hội càng lớn. Chưa kể chính sách đầu tư của Việt Nam rất tốt, cởi mở, vẫn có sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư nước ngoài, nếu kết nối được nhiều nhà đầu tư rót vốn vào thị trường trong nước sẽ giúp khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam cao hơn, người dân có công ăn việc làm nhiều hơn. Là người con đất Việt, tôi luôn đau đáu nỗi niềm làm cách nào để góp sức cùng phát triển kinh tế - xã hội tại quê nhà, đó là lý do để tôi thuyết phục và "rủ rê" được nhiều doanh nghiệp Mỹ về Việt Nam tìm hiểu thị trường và cơ hội trong chuyến đi lần này.
Tại TP HCM, VWS đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng dự án đốt rác phát điện, dự án này đang triển khai ra sao, thưa ông?
- Dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện, giảm thiểu việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh hiện hữu, theo đúng với định hướng phát triển của TP HCM đang được công ty trình hồ sơ và chờ UBND TP phê duyệt.
Theo đó, công ty đã lựa chọn được công nghệ phù hợp với đặc thù và thành phần rác tại TP HCM đó là công nghệ Nhật Bản.
Sở dĩ chọn công nghệ Nhật Bản vì ngoài phù hợp với đặc thù rác sinh hoạt tại TP HCM thì chi phí đầu tư dự án tương đối, hiệu suất phát điện cao. Hiện Công ty VWS đang chờ thành phố phản hồi, kiểm tra dự án, tính đến chuyện thương lượng giá cả, trong đó có cả vấn đề bán điện.
Công suất của nhà máy đốt rác phát điện dự kiến xử lý khoảng 3.000 tấn rác/ngày, đây là số lượng rác còn lại sau khi đã phân loại để tái chế, làm phân hữu cơ. Tổng chi phí đầu tư dự kiến khoảng 420 triệu USD, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu xử lý khoảng 1.500 tấn rác/ngày, thời gian này sẽ xem thử thành phần rác, khối lượng điện thu được có như dự kiến không, sau đó sẽ tiến hành giai đoạn 2 cách giai đoạn 1 khoảng một năm. Ngay khi được UBND TP HCM phê duyệt dự án, công ty sẽ triển khai trên cơ sở hạ tầng sẵn có và đưa vào vận hành sau 20 tháng.
Không chỉ có dự án đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày mà VWS đang triển khai, tại Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước, Dự án ủ rác, thu khí gas phát điện tại khu chôn lấp đã bắt đầu vận hành và đang được bộ phận kỹ thuật theo dõi. Chúng tôi đang thương thảo với Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN để hòa vào lưới điện quốc gia. Theo đó sẽ có 12 tổ máy (đang vận hành 4 tổ) được vận hành tại đây.
Được biết, VWS chuẩn bị tái khởi động dự án tại Khu Công nghệ Môi trường xanh ở tỉnh Long An, ông có thể chia sẻ thêm về việc này?
- Tuy kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn sau dịch COVID-19 nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án tại Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An theo kế hoạch đặt ra.
Việc tái khởi động này là động thái khẳng định trong khó khăn, doanh nghiệp nước ngoài vẫn muốn rót tiền để làm dự án, chứng tỏ chúng tôi vẫn tin tưởng vào nền kinh tế của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng sẽ phục hồi và vượt qua khó khăn.
Phối cảnh 3D cầu dẫn vào Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An
Những khó khăn đó thúc đẩy chúng tôi càng quyết tâm tái khởi động lại các dự án còn dang dở và hơn bao giờ hết, việc đầu tư trong giai đoạn này như một tín hiệu để giúp kinh tế khởi sắc, có thể tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động…
VWS sẽ có văn bản gửi Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Long An và TP HCM xin tiếp tục đầu tư để xây dựng hạ tầng, tập trung vào những hạng mục dự án được phê duyệt trước đó.
Không chỉ VWS mà bản thân tôi vẫn khuyến khích, mong muốn kết nối thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ về Việt Nam đầu tư.
Báo chí Việt Nam là kênh thông tin quan trọng cho kiều bào ở Mỹ
Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21-6, với vai trò Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CWS và VWS, ông David Dương gửi lời chúc sức khỏe đến lãnh đạo, tập thể phóng viên - biên tập viên, nhân viên các cơ quan báo chí - truyền thông. Đồng thời mong muốn báo chí tiếp tục truyền tải thông tin một cách trung thực đến độc giả trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Báo chí như ngọn "hải đăng", là món ăn tinh thần để kiều bào hiểu được tình hình trong nước, từ đó có thể quyết định về Việt Nam đầu tư, góp sức cùng xây dựng quê hương vững mạnh, phát triển.