Cởi bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi, nhận phần cơm trưa từ nhà ăn bệnh viện rồi ngồi góc nào đó ăn thật nhanh; bữa ăn đạm bạc gồm cơm, ít thịt kho, miếng rau xào, đôi lúc có thêm canh, chỉ để cho no; không kịp nghỉ ngơi, tiếp tục khoác bộ đồ bảo hộ quay lại công việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19… là hình ảnh thường thấy của các y bác sĩ suốt thời gian qua khi dịch Covid-19 bùng phát, trong đó có cả đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi.
Tại phòng hồi sức Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi (TP HCM), không ít bệnh nhân nặng đang được chăm sóc đặc biệt. Ngày nào, các phòng này cũng lao xao tiếng động viên của các y bác sĩ "Cố gắng lên cô ơi, chú ơi", "anh có dễ thở hơn chưa", "cô có khát nước không để con lấy"… Không ít bệnh nhân nằm lâu mệt mỏi, các điều dưỡng còn kiêm luôn nhiệm vụ xoa bóp, không khác gì chăm sóc người thân. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít giữa những ngày hè, ai nấy mồ hôi ướt đẫm hết tóc nhưng tất cả đều không cảm thấy mệt mà vẫn rất ân cần với bệnh nhân.
Được biết, Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi là nơi lần đầu được ngành y tế hoán đổi công năng điều trị bệnh nhân thông thường sang điều trị Covid-19 nhằm "chia lửa" cho Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Tính đến ngày 17-6, chỉ sau 5 ngày hoạt động bệnh viện đã tiếp nhận 305 bệnh nhân mắc Covid-19 (sức chứa của bệnh viện là 500 giường). Có lẽ, đây là lần đầu các y bác sĩ tại đây nhận được nhiệm vụ đặc biệt là điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Với lượng bệnh nhân đông như hiện nay, các y bác sĩ tại đây đã thật sự bước ra "chiến trường" khi ngày đêm lấy mẫu, chăm sóc bệnh nhân. Thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, ngủ nghỉ thường ngày đã trở nên xa xỉ, mệt đâu thì nằm nghỉ ở đó một chút, bất kể là trên ghế hay nền nhà; không ít y bác sĩ đã khăn gói vào bệnh viện ở luôn và chưa xác định được ngày về. "Từ lúc có bệnh nhân Covid-19 đến điều trị, em đã khăn gói vào đây ở. Hai đứa con thì giao cho chồng, ông bà nội chăm sóc. Dự kiến em phải ở đây suốt 2 tháng. Nhớ chồng và các con nhưng em phải vì nhiệm vụ, vì những bệnh nhân đang mắc Covid-19 đang điều trị tại đây" - một nữ điều dưỡng chia sẻ.
Nhưng xót xa nhất là hình ảnh các y bác sĩ nói chung và tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi nói riêng đang hằng ngày ăn những bữa ăn qua loa, chỉ để no là chính. Theo chuyên gia dinh dưỡng, các y bác sĩ đang làm việc với cường độ cao, khắc nghiệt do thời tiết nóng bức thì cần phải có các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng (từ 800-900 kcal/suất), món ăn chính (gồm gà nướng, bò bít tết, chả cá…) và các món phụ (salad, nộm, bánh tráng miệng, nước trái cây, sữa…) được thay đổi thường xuyên, hợp khẩu vị thì mới đảm bảo sức khỏe, sức bền, nâng cao khả năng miễn dịch phòng nhiễm bệnh.
Thấu cảm được những vất vả, trọng trách rất nặng nề, những nguy cơ phải đối mặt của y bác sĩ nơi đây, nhãn hàng Cô Gái Hà Lan đã nhanh chóng hỗ trợ 20.000 ly sữa, góp phần giúp những "chiến sĩ" nơi đầu chiến tuyến này có thêm sức khỏe. "Sự hỗ trợ này không chỉ giúp có thêm dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, mà còn là món quà quý giá động viên tinh thần, nhất là các y bác sĩ đang phải xa gia đình suốt thời gian dài" - BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, chia sẻ.
Ngoài ra, Cô Gái Hà Lan còn trao tặng hơn 50.000 ly sữa cho bác sĩ, bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM. Trong đó, Bệnh viện Nhi Đồng TP là nơi đang điều trị cho 80 bệnh nhi mắc Covid-19 (tính đến ngày 18-6). Không chỉ chữa trị, các y bác sĩ nơi đây còn kiêm luôn bảo mẫu, shipper tã sữa, kiêm chú hề, hoạt náo viên hay bất kỳ thứ gì "thượng đế nhí" yêu cầu. "Những vất vả mà các y bác sĩ đã và đang trải qua không thể cân đo đong đếm được. Chút góp sức này của Cô Gái Hà Lan mong sao sẽ là món quà tinh thần kịp thời, đúng lúc" - bà Tạ Thúy Hà, Giám đốc Ngành hàng Sữa tiêu dùng FrieslandCampina Việt Nam, chia sẻ
Dịp này nhãn hàng Cô Gái Hà Lan còn trao tặng 82.000 ly sữa cho công nhân tại Công ty Pouyuen Việt Nam, 150.000 ly sữa cho người có bệnh hiểm nghèo tại Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), 40.000 ly sữa cho người dân nghèo, đang bị cách ly khu vực phong tỏa quận 7 và một số địa bàn khác. Hỗ trợ thiết thực này nằm trong chương trình "Dinh dưỡng yêu thương, chung tay chia sẻ" được nhãn hàng Cô Gái Hà Lan khởi xướng từ những ngày đầu chống dịch năm 2020 đến nay. Đây không chỉ là câu chuyện tương thân tương ái trong mùa dịch mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của Cô Gái Hà Lan trên mọi mặt trận.