Doanh nghiệp chuyển mình theo Thông tư 67
Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm trải qua một năm 2023 đầy biến động, Thông tư 67 ra đời được xem là cứu cánh kịp thời và được kỳ vọng giúp định hình lại thị trường bảo hiểm, lấy lại niềm tin của khách hàng.
Một số thay đổi đáng chú ý của Thông tư 67 như: doanh nghiệp bảo hiểm phải giám sát chất lượng tư vấn của đại lý; ngân hàng không được bán bảo hiểm kèm các khoản vay và phải thiết lập quầy tư vấn bảo hiểm tách biệt với các khu vực hoạt động nghiệp vụ khác; các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm liên kết đầu tư phải được ghi âm quá trình tư vấn…
Trên thực tế, Thông tư 67 đã giúp các doanh nghiệp bảo hiểm đổi mới và nâng cấp chất lượng phục vụ, từ khâu tư vấn đến chăm sóc và chi trả quyền lợi cho khách hàng.
Trong đó, mục tiêu của cơ quan quản lý đã đạt được là buộc doanh nghiệp phải tăng cường giám sát phát hành hợp đồng bảo hiểm và quản lý chất lượng tư vấn của đại lý tại các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai các giải pháp mới và đạt được hiệu quả ban đầu.
Đơn cử, sau khi triển khai thí điểm thành công vào tháng 11-2023, Manulife Việt Nam đã công bố chính thức áp dụng quy trình xác thực thông tin và giám sát phát hành hợp đồng bảo hiểm (quy trình M-Pro) cho khách hàng tham gia bảo hiểm từ ngày 1-1-2024.
Theo Manulife, sau khi được đại lý tư vấn, và hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của khách hàng được bộ phận Thẩm định chấp thuận, công ty sẽ yêu cầu khách hàng tham gia xác thực trực tuyến qua ứng dụng M-Pro.
Khách hàng sẽ định danh điện tử bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt, xác nhận nội dung đại lý bảo hiểm đã tư vấn trước đó và các nội dung quan trọng khác của hợp đồng bảo hiểm như: quyền lợi sản phẩm, những lưu ý về rủi ro đầu tư, trách nhiệm đóng phí… Hợp đồng chỉ được phát hành sau khi khách hàng hoàn tất quy trình M-Pro nói trên.
Những thay đổi ban đầu có thể còn khiến cho khách hàng bỡ ngỡ. Tuy nhiên, khách hàng tham gia bảo hiểm sẽ thấu hiểu thay đổi này là nhằm bảo vệ quyền lợi của chính họ. "Tôi thấy hơi tốn thời gian một chút, nhưng bù lại mình được hiểu rõ về sản phẩm, có cơ hội xác nhận lại thông tin và an tâm hơn khi ký hợp đồng" – chị Đỗ Thanh Trúc, một khách hàng của Manulife tại quận 10, TP HCM chia sẻ.
Tương tự, AIA Việt Nam cũng vừa ra mắt tính năng video chào mừng, video này ứng dụng công nghệ AI thay cho cuộc gọi chào mừng đơn thuần trước đó. Dù chưa thực hiện định danh điện tử như Manulife, nhưng đây cũng được xem là một cải tiến mới.
Trong khi đó, Generali Việt Nam cho biết đã phối hợp cùng Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam (VIDI) triển khai khóa đào tạo pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cho nhân viên.
Hay như Dai-ichi Life, một ông lớn khác trong ngành bảo hiểm, cũng vừa công bố thành lập Trung tâm Đào tạo Bảo hiểm nhằm nâng cao kỹ năng của đội ngũ tư vấn.
Ông Ngô Việt Trung, Phó Tổng thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, kể từ khi Thông tư 67 được áp dụng, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các ngân hàng cung cấp dịch vụ bancassurance đã và đang có những thay đổi đáng kể trong quy trình vận hành theo hướng chặt chẽ và minh bạch hơn.
"Còn quá sớm để nói về hiệu quả của Thông tư 67 nhưng nhìn nhận thực tế, sự thay đổi của doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng, đại lý theo hướng tích cực hơn đã từng bước giúp thị trường bảo hiểm lấy lại niềm tin trong lòng khách hàng", ông Trung nói.
Công nghệ sẽ định hình thị trường bảo hiểm
Có thể thấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như sự phức tạp của thị trường hay một số thách thức về pháp lý, ngành bảo hiểm đang tiến hành hiện đại hóa hoạt động.
Công nghệ bảo hiểm (insurtech) đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại ngành bảo hiểm hiện nay, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, phục vụ tốt hơn cho các mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Hơn nữa, insurtech cũng giúp các hãng bảo hiểm tạo ra các sản phẩm được cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu đặc thù của nhóm khách hàng chưa được bảo vệ, cũng như quản lý các rủi ro xuất phát từ hành vi tiêu dùng số của khách hàng một cách hiệu quả.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang chuyển mình theo hướng insurtech như Manulife, AIA, FWD…
Theo nhận định hãng công nghệ bảo hiểm Igloo về xu hướng chủ đạo ngành bảo hiểm năm 2024, các hãng bảo hiểm sẽ tiếp tục tận dụng ưu thế của AI để có được những hiểu biết sâu sắc hơn về hành vi, xu hướng của khách hàng cũng như các rủi ro mới nổi.
Bên cạnh đó, tính minh bạch của blockchain bảo đảm các giao dịch được diễn ra hiệu quả, tránh gian lận, đẩy nhanh quá trình giải quyết khiếu nại và giảm chi phí vận hành.
Cũng theo Igloo, việc ứng dụng các nền tảng zero-code (lập trình mà không cần viết code) giúp đẩy nhanh việc ra mắt các sản phẩm bảo hiểm mới trên nhiều kênh khác nhau.
Khả năng triển khai nhanh chóng giúp bảo đảm rằng các công ty bảo hiểm có thể đáp ứng kịp thời với nhu cầu thị trường, mang đến những sản phẩm đa dạng phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Khi ngành bảo hiểm ngày càng số hóa mạnh mẽ, các đại lý bảo hiểm cũng được hưởng lợi từ các công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện tương tác với khách hàng. Trong năm 2024, các công ty bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tiếp tục đầu tư vào các công cụ và tài nguyên số để hỗ trợ đại lý bảo hiểm, giúp cho liên lạc được liền mạch, phát hành hợp đồng nhanh chóng hơn và nâng cao tính cá nhân hóa trong trải nghiệm khách hàng. Việc số hóa các đại lý cũng góp phần mang lại cho khách hàng một trải nghiệm tổng thể tích cực, thúc đẩy lòng trung thành và mức độ hài lòng.