Thay mặt Ban giám đốc, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS đã đón tiếp đoàn. Ông Kevin Moore đã giới thiệu quá trình thành lập VWS. Theo đó, VWS do ông David Dương (Việt kiều Mỹ) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám VWS đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực môi trường bắt đầu từ năm 2005.
Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước được triển khai theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Ông Kevin Moore nói rằng, đây là bãi chôn lấp hợp vệ sinh không chỉ tại Việt Nam mà có thể là duy nhất trong khu vực Đông Nam Á. "Khi xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh tại TP HCM, ông David Dương yêu cầu phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện như của California (Mỹ). Ở California, những quy định về bãi chôn lấp rác rất khắt khe, nghiêm ngặt và có tới 12 cơ quan giám sát. Ở TP HCM thì dễ hơn và chỉ cần báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên lãnh đạo VWS vẫn triển khai dự án theo các tiêu chuẩn của Mỹ" – ông Kevin Moore cho biết.
Những năm đầu, VWS đã ký hợp đồng với TP HCM tiếp nhận và xử lý 3.000 tấn rác/ngày với thời hạn trong vòng 50 năm, sau đó lượng rác ngày càng tăng lên. Hiện nay, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận và xử lý khoảng 6.000 – 6.500 tấn rác/ngày cho TP HCM, chiếm khoảng 70% tổng lượng rác toàn thành phố. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, phát điện…
Cũng theo ông Kevin Moore, điều khó nhất hiện nay là tình trạng xả rác trên đường, đổ rác không đúng nơi quy định vẫn khó xử lý. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước mà còn làm mất mỹ quan đô thị... Định hướng của thành phố từ nay đến năm 2025 phải triển khai phân loại rác tại nguồn.
Chăm chú lắng nghe, bạn Thục Phương (lớp 10 trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết, cảm thấy rất vui vì thu thập được nhiều kiến thức bổ ích, cũng như có những trải nghiệm thú vị khi đến tham quan bãi rác Đa Phước. "Buổi tham quan giúp chúng em hiểu rõ hơn qui trình xử lý rác và học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích. Rác thải sau khi bỏ đi vẫn rất hữu ích, nếu chúng ta biết khai thác và tận dụng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới từ rác. Một vòng đời mới lại bắt đầu. Qua buổi tham quan, em mong sẽ có thêm cơ hội tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế thiết thực, hữu ích như thế này tại VWS" – Thục Phương nói.
Anh Trần Hoàng Thái, Trưởng đoàn cho biết, chuyến đi này nhằm giúp các bạn có thêm hiểu biết về quá trình thu gom, xử lý và phân loại cũng như tái chế rác thải. Qua đó, nhìn nhận về vai trò của các biện pháp, giải pháp và cách thức quản lý và tái chế rác thải…
"Đây là một trải nghiệm đặc biệt, trực tiếp tìm hiểu qui trình xử lý rác đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về các dịch vụ công ích… Điều này giúp nâng cao tinh thần bảo vệ môi trường của đoàn viên, thanh niên cũng như học sinh. Song song đó, TP HCM cũng đang phát động phong trào Sống xanh nên việc tham quan VWS lần này vô cùng thiết thực" - anh Thái cho biết.
Gửi lời cám ơn đến Ban giám đốc VWS đã đón tiếp rất nhiệt tình, chu đáo, anh Nguyễn Mạnh Huy, ủy viên Ban thường vụ Quận Đoàn quận 1 cho biết: "Trước khi đến tham quan bãi rác Đa Phước, các bạn hầu hết đã đọc rất nhiều thông tin liên quan đến bãi rác đăng trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, khi đi thực tế thì bãi rác được xử lý bằng công nghệ hiện đại và gần như không "nghe" thấy mùi." – anh Huy cho biết.
Cũng theo anh Huy, đoàn cũng đã được Ban giám đốc VWS chia sẻ về sự thay đổi công nghệ xử lý rác trong thời gian tới, biến rác thành nhiên liệu; có quy trình, lộ trình bài bản… Điều đó rất có ý nghĩa không chỉ trong việc bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe con người mà còn tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác.
Bà Huỳnh Lan Phương, Phó Tổng giám đốc VWS cho biết, Công ty luôn cố gắng làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý rác, góp phần bảo vệ môi trường cho hơn 10 triệu dân TP HCM. Đồng thời, VWS luôn mở cửa chào đón các bạn trẻ, học sinh sinh viên các đơn vị đến tham quan, học tập thực tế, tìm hiểu quy trình xử lý rác. "Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu thêm những hoạt động liên quan đến tái chế, xử lý rác khi các bạn trẻ đến thăm bãi rác Đa Phước" – bà Phương cho biết.