Đa dạng, bình đẳng - hai từ khóa chính của chiến lược bình đẳng giới
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu về số lượng phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo. Trong số đó, chiến lược này đặt mục tiêu tỷ lệ nữ giám đốc/ chủ doanh nghiệp/ hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025, và 30% vào năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu quan trọng này, Việt Nam cần giải quyết những trở ngại khiến phụ nữ khó thăng tiến trong sự nghiệp. Điều này bao gồm việc thay đổi quan điểm về lãnh đạo, để phụ nữ được tin tưởng và, khi cần thiết, được bầu vào các vị trí quan trọng. Muốn vậy, nỗ lực thay đổi cần đến từ đa dạng khía cạnh, như tạo điều kiện cho phụ nữ trong việc tiếp cận các cơ hội, đẩy mạnh giáo dục, thay đổi tư duy và bổ sung kỹ năng cho phụ nữ trong các lĩnh vực, v.v.
Mục tiêu đó không phải là một bài toán xa vời. Thực tế, không ít doanh nghiệp ở Việt Nam đã, đang được điều hành bởi những "đóa hồng thép". Dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thị Bích Vân - nữ Tổng giám đốc quốc gia đầu tiên của Unilever Việt Nam, doanh nghiệp đang trở thành một trong những cái tên nổi bật trên hành trình xây dựng môi trường làm việc đa dạng, bình đẳng.
Mảnh ghép quan trọng trong kế hoạch phát triển bền vững của Unilever Việt Nam
Unilever Việt Nam hiện là một trong số ít doanh nghiệp đạt tỷ lệ cân bằng giới ở cấp quản lý và giám đốc. Cụ thể, tỷ lệ nữ ở các cấp quản lý, giám sát của doanh nghiệp là 52,96%.
Phía sau con số ấn tượng nói trên là nỗ lực mạnh mẽ của Unilever Việt Nam trong việc thúc đẩy văn hóa đa dạng, bình đẳng cho tất cả nhân viên. Cơ hội phát triển, bồi dưỡng được chia sẻ cho đa dạng đối tượng, thông qua các chương trình như Unilever Women's Network mang đến mạng lưới phụ nữ hỗ trợ nhau phát triển chuyên môn, lãnh đạo và kết nối, v.v.
Bên cạnh việc mang đến chương trình đào tạo phát triển kỹ năng quản lý cho các lãnh đạo nữ cấp trung và cấp cao, đặc biệt ở các phòng ban truyền thống, Unilever Việt Nam còn đưa ra nhiều chính sách mới về phúc lợi và quyền bình đẳng. Các rào cản khác biệt cũng được tập trung xử lý thông qua những sáng kiến như chương trình giao tiếp nội bộ mang tên "Unmute". Văn hóa Đa dạng và Bình đẳng được dựng xây bền bỉ là tấm gương phản chiếu cho nỗ lực không ngơi nghỉ trong suốt 7 năm qua của bà Nguyễn Thị Bích Vân - Nữ Tổng giám đốc quốc gia đầu tiên của Unilever Việt Nam. "Quả ngọt" cho khả năng lãnh đạo đổi mới của bà Vân là giải thưởng BritCharm DEI, được trao tặng cho các lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc. Trước đó không lâu, Unilever Việt Nam cũng vinh dự đã được vinh danh tại giải thưởng Thực hiện nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ - WEPs Awards của UN Women trong 3 năm liên tiếp.
Không chỉ hỗ trợ và cải thiện cuộc sống của phụ nữ nói chung trên khía cạnh kinh tế, Unilever Việt Nam còn triển khai các hoạt động giáo dục, truyền cảm hứng cho các bé gái, các bạn gái trẻ phát huy hết tiềm năng bản thân. Tiêu biểu trong đó là dự án Dove Self-Esteem hợp tác cùng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Unilever Việt Nam cam kết đến năm 2025 sẽ trao quyền cho một triệu phụ nữ Việt Nam, giúp họ phát triển và đạt được nhiều thành tựu hơn trong cuộc sống. Theo Unilever Việt Nam, mọi người đều có quyền tự do học tập, làm việc và theo đuổi đam mê, cũng như sống theo cách họ mong muốn. Doanh nghiệp hy vọng có thể sát cánh cùng người dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, để hiện thực hóa những mục tiêu này.