Tại hội thảo "Cơ hội, thách thức mới đối với thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam" do Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vinapa) tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 17-8, nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc phải nâng cao chất lượng sản phẩm này, thay vì chạy theo số lượng như trước đây.
Thị trường Trung Quốc tăng tốc
Theo báo cáo của Vinapa, cá tra là sản phẩm quốc gia của Việt Nam, hiện có mặt tại khoảng 150 nước, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU. Thị trường cá tra vẫn còn nhiều triển vọng nhưng thách thức cũng không phải ít.
Cá tra xuất sang Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn Ảnh: NGỌC TRINH
Báo cáo của Vinapa cho thấy đến giữa tháng 8-2017, sản lượng cá tra đạt 650.000 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Về giá cá tra, năm 2014 tương đối tốt so với trước đây. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, giá cá tra diễn biến xấu. Đến năm 2017, giá mặt hàng này lại tốt hơn cả năm 2014. Trong lúc chuẩn bị thực hiện Luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ, không ít doanh nghiệp (DN) cảm thấy bi quan về sản lượng cá tra xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Vinapa, nhìn nhận ngành cá những năm qua có những thay đổi rất "lý thú". Khi thị trường này giảm rất mạnh thì lại có thị trường khác tăng lên bù vào. Chẳng hạn, trước đây, EU từ mức chiếm gần 50% thị phần (trên 500 triệu USD/năm) bỗng nhiên sụt giảm mạnh thì thị trường Mỹ tăng lên thay thế.Mỹ
Theo ông Dũng, trong cơ cấu thị phần, tháng 6-2017, mức độ tăng trưởng của thị trường Trung Quốc và Mỹ rất mạnh, trong khi EU giảm. Có lẽ, cá tra tăng ở thị trường Mỹ là do đối tác tranh thủ nhập trước khi nước này kiểm soát toàn bộ lô hàng nhập khẩu. Còn tính 6 tháng đầu năm 2017, thị trường Trung Quốc tăng đến 46%, Mỹ giảm 5,7%, EU cũng giảm rất mạnh. Nhìn chung, thị trường Trung Quốc từ 10% nhưng chỉ sau 2 năm đã vượt lên chiếm khoảng 20,5% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam, thị trường Mỹ hiện chiếm 21%-22%, EU sụt xuống còn khoảng 12%. Với đà này, đến cuối năm 2017, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, có thể chiếm 25% thị phần; EU chỉ còn 10% hoặc thấp hơn.
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng cá tra là một trong 2 sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam. Vì thế, cần tìm lối đi bền vững cho cá tra trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay. Những thách thức này bao gồm pháp lý, quy chuẩn, thị trường và cả những tồn tại bên trong ngành cá tra.
Phải tự cải thiện
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Vinapa, cho biết từ ngày 1-8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) bước sang kỳ rà soát hành chính đối với cá tra (POR) mới. Dự kiến tháng 9 tới, DOC sẽ có kết quả sơ bộ về POR15. Hai vấn đề là Farm Bill và thuế chống bán phá giá sẽ là cản trở rất lớn cho thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Theo dự báo, có thể cá tra xuất sang Mỹ sẽ giảm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó rào cản thương mại rất chặt chẽ mà phía Mỹ đưa ra là quan trọng. Để duy trì xuất khẩu bền vững và giữ được chỉ tiêu đề ra, phải tìm giải pháp ứng phó với 3 thị trường lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc. Đối với thị trường Mỹ, nếu thực hiện theo Farm Bill, Việt Nam phải chứng minh được các điều kiện tương đồng. Điều này bắt buộc ngành cá tra phải tổ chức lại sản xuất để đáp ứng được yêu cầu của thị trường và chứng minh được những điểm tương đồng về giống, chăn nuôi, chế biến và mã bao bì…
"Nếu không làm được điều này thì ngành cá tra sẽ bị thiệt hại rất lớn. Bởi lẽ, đến nay, Mỹ vẫn là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam. Đối với thị trường EU, chúng ta cũng phải chuẩn bị đến khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU có hiệu lực; đồng thời chuẩn bị đối phó với các rào cản thương mại và đặc biệt là thị trường này đã xuất hiện các thông tin bôi nhọ cá tra Việt Nam trên các phương tiện thông tin. Vinapa sẽ phối hợp với các DN, cơ quan quản lý để đối phó lại những thông tin không đúng sự thật này" - ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, Trung Quốc là thị trường tiềm năng lớn của cá tra Việt Nam. Hiện có thuận lợi rất lớn là Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch cá tra sang thị trường này. Đây là lợi thế nhưng cũng phải thấy rằng nếu xuất theo đường chính ngạch thì cơ quan quản lý DN, hiệp hội phải bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, nếu không thì sẽ gặp trở ngại trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, cá tra còn được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì thế, phải có những giải pháp hài hòa giữa xuất chính ngạch và tiểu ngạch, nếu không quản lý tốt thì tiểu ngạch ảnh hưởng tới chính ngạch và ngược lại.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng với các cơ hội cũng như thách thức như trên, theo dự báo, giá cá tra từ nay tới cuối năm sẽ tăng. Tuy nhiên, để đối phó với những thách thức đang đặt ra, người nuôi, DN, cơ quan quản lý cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm nắm bắt thị trường, cân đối được diện tích nuôi cũng như sản lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Đại diện Vinapa nhận định các DN đã tự điều tiết sản lượng cá tra xuất sang Mỹ. Ngoài ra, DN và Vinapa cũng đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để có ý kiến chính thức với phía Mỹ nhằm giải quyết việc kiểm soát 100% lô hàng nhập khẩu. Bởi lẽ, việc kiểm soát này không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Toàn lại cho rằng việc Mỹ tăng cường thanh tra sản phẩm nhập khẩu cũng là lúc ngành cá tra tự rà soát lại các quy chuẩn nhằm nâng cao năng lực của mình. "Nếu không, chúng ta sẽ tụt hậu" - ông Toàn nhấn mạnh.
Tìm giải pháp tái cấu trúc ngành mía đường
Hội thảo thường niên Mía đường TTC lần V với chủ đề "Tái cấu trúc ngành mía đường Việt Nam" đã được Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp với Tập đoàn TTC tổ chức tại Bình Thuận trong 2 ngày 17 và 18-8. Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia, viện nghiên cứu, DN trong lĩnh vực mía đường trong nước, các diễn giả đến từ Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Úc, Mỹ...
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, mía đường là một trong những ngành sản xuất chiến lược của Việt Nam. Những năm qua, các nhà máy đường đã liên tục đầu tư nâng cấp thiết bị, mở rộng công suất để nâng cao năng lực cạnh tranh.
L.TRƯỜNG