Ngày 6-10, Ngân hàng (NH) Nhà nước thông báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ NH trong 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, thống kê đến ngày 30-9, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,73%, huy động vốn tăng 11,01%. Trong đó, huy động bằng VNĐ tăng tới 12,37% và huy động bằng ngoại tệ tăng 2,78% so với cuối năm ngoái.
Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, lãi suất thị trường liên NH giảm và ổn định ở mức thấp. Trong khi đó, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết tháng 9 cũng tăng 7,26% so với cuối năm 2013.
Theo NH Nhà nước, đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ đã giảm thêm 0,5%-1,5%/năm so với cuối năm trước, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ.
Ghi nhận tại các NH thương mại cho thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng tiếp tục có xu hướng giảm so với trần cho phép 6%/năm. Cụ thể, mức lãi suất phổ biến tại các NH thương mại lớn kỳ hạn 1-3 tháng chỉ 5%-5,2%/năm.
Ở các NH thương mại cổ phần cỡ vừa và nhỏ, mức lãi suất kỳ hạn ngắn cũng giảm đáng kể so với trước đây và dưới trần huy động cho phép là 6%/năm.
Lãi suất giảm nhưng tiền gửi vào hệ thống NH vẫn tiếp tục tăng cho thấy tiền gửi vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Phương, ngụ quận 9, TP HCM, cho biết đến ngày đáo hạn sổ tiết kiệm, chị tới một NH thương mại cổ phần tại quận 2, nhìn bảng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn - 3 tháng chỉ 5,2%/năm thấy thấp nhưng với số tiền tiết kiệm dưới 100 triệu đồng cũng không biết đầu tư vào kênh nào. Cuối cùng, chị vẫn chọn gửi tiết kiệm cho an toàn.
Nhân viên nhiều NH cho biết xu hướng khách hàng gửi tiền tiết kiệm vẫn tăng và NH thường tư vấn khách hàng chọn gửi kỳ hạn dài để có mức lãi suất cao hơn. Hiện mức lãi suất kỳ hạn dài tại một số NH thương mại cổ phần vừa và nhỏ khoảng 8,5%/năm (kỳ hạn 13 tháng).