Thông tin do Ngân hàng Thế giới công bố trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 2014 mới đây cho thấy con số các tỉ phú người Việt có mức tài sản từ 30 triệu USD đã tăng gần 3 lần, từ 34 (năm 2003) lên 110 người (năm 2013). Ðây chính là đối tượng khách hàng mục tiêu của các hãng xe sang, khi những sản phẩm đắt tiền này giúp họ khẳng định đẳng cấp.
Xe Đức lấn lướt
“2013 là năm thứ 5 liên tiếp Audi có tốc độ tăng trưởng dương tại Việt Nam”, ông Laurent Genet, Tổng Giám đốc Audi Việt Nam, tiết lộ. Đáng chú ý, số lượng đơn hàng được giao năm ngoái đã đạt mức gần 600 chiếc, vượt xa so với kế hoạch ban đầu 460 chiếc.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), toàn thị trường năm 2013 đạt mức tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước đó; riêng phân khúc xe sang đã tăng khoảng 40%. Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu dùng xe sang vẫn tiếp tục “miễn nhiễm” với thách thức của thị trường cũng như khó khăn chung của kinh tế trong nước.
Tại buổi giới thiệu dòng xe sang Audi A8L (giá từ 4,3-4,8 tỉ đồng) mới đây, ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế, nhà phân phối chính thức Audi tại Việt Nam, đã công bố rằng sản lượng xe tiêu thụ trong nửa đầu năm 2014 đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tốc độ tăng trưởng của Audi tại thị trường Việt Nam cao gấp 3 lần mức tăng trưởng trung bình của thương hiệu này trên toàn cầu. “Tuy mới ra mắt dòng xe A8L nhưng đã có hơn 20 khách hàng đặt mua, trong đó phần lớn là khách mua bằng tiền mặt”, ông Trung cho biết.
Một hãng xe sang khác cũng của Đức là Mercedes-Benz vừa công bố kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay với hơn 1.100 xe bán ra thị trường, tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với phương châm “Dẫn đầu hoặc không là gì cả”, ông Michael Behrens, Tổng Giám đốc Công ty Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) đã công bố chiến lược kinh doanh mang tính đột phá trong năm nay.
Trước tiên, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm 10 triệu USD cho thị trường Việt Nam, gồm 5 triệu USD để phát triển dây chuyền sản xuất mới và 5 triệu USD để mở rộng hệ thống đại lý trên cả nước. Tiếp đến là kế hoạch ra mắt 19 phiên bản mới trong năm 2014, nhiều nhất trong phân khúc xe hạng sang tại Việt Nam. Ngay trong tháng 1 năm nay, MBV đã công bố giá bán của dòng xe mới S400L ở mức 3,48 tỉ đồng. Lô 40 chiếc S-Class đầu tiên đã được bán hết chỉ sau vài ngày ra mắt.
Năm nay, MBV đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng vượt bậc so với thị trường. Năm 2013, Công ty đạt mức tăng trưởng 65% so với năm 2012, trong khi mức tăng trưởng chung của thị trường xe sang chỉ là 40%.
Không kém cạnh Audi lẫn Mercedes-Benz, BMW - một thương hiệu xe cao cấp khác của Đức cũng đang ăn nên làm ra tại Việt Nam. Ông Horst Herdtle, Tổng Giám đốc Euro Auto, đơn vị nhập khẩu và phân phối BMW, cho biết hiện Công ty đã có 7 năm tăng trưởng liên tục với sản lượng bán ra hơn 10.000 xe.
Nhằm tăng cường sự phát triển cho thương hiệu BMW tại Việt Nam, các cổ đông của Euro Auto vừa qua đã quyết định kêu gọi thêm nhà đầu tư chiến lược mới là Công ty Sime Singapore Ltd, một thành viên của Sime Darby Motors (Malaysia). Đây là một trong những nhà phân phối lớn nhất của thương hiệu BMW trên thế giới. Theo đó, Sime Singapore Ltd đã hoàn tất việc mua 89,15% cổ phần của Euro Auto với giá trị tương đương 29,5 triệu USD để nắm quyền phân phối xe BMW và Mini tại Việt Nam.
Phát biểu trên báo The Star của Malaysia gần đây, ông Datuk Lawrence Lee, Giám đốc Điều hành Sime Darby Motors, cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường mới và Việt Nam đã chứng tỏ được sức hấp dẫn lớn”.
Rào cản xe Nhật
Với mức tăng trưởng lên tới 40%/năm, phân khúc xe sang tại Việt Nam đang tiếp tục là đích nhắm của các thương hiệu cao cấp ngoại, trong đó tất nhiên có cả các hãng xe Nhật.
Trong những ngày đầu năm nay, giới tiêu dùng đã có dịp mãn nhãn với sự kiện Công ty Toyota Việt Nam ra mắt cùng lúc 5 mẫu xe sang Lexus đầu tiên với giá bán từ 2,5-5,6 tỉ đồng/chiếc; đồng thời công bố Lexus Trung tâm Sài Gòn ở Q.1, TP. HCM là đại lý ủy quyền đầu tiên của Lexus tại Việt Nam.
Ông Trần Nam Thái, Tổng Giám đốc Lexus Trung tâm Sài Gòn, cho biết với số vốn đầu tư hơn 200 tỉ đồng, showroom của Lexus được thiết kế theo tiêu chuẩn 3S (bán hàng, dịch vụ, phụ tùng chính hãng) của Lexus toàn cầu. Hiện Lexus chỉ mới có đại lý đầu tiên tại TP. HCM và trong kế hoạch sắp tới sẽ mở showroom Lexus cùng xưởng dịch vụ tại Hà Nội. Trước mắt, Lexus sẽ tập trung nguồn lực cho hệ thống bán dịch vụ tiện ích dành cho khách hàng. Đó là xác nhận của ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam.
Cũng thuộc phân khúc xe sang, một thương hiệu khác cũng của Nhật là Infiniti thuộc hãng Nissan đã có màn chào sân khá ấn tượng với việc giới thiệu 2 mẫu xe QX70 và QX80. Có giá bán lẻ lần lượt là hơn 3 tỉ đồng và 4,4 tỉ đồng, mức giá này được giới kinh doanh ôtô đánh giá là khá hợp lý nếu xếp cạnh các mẫu xe là đối thủ trực tiếp của Infiniti.
Tuy nhiên, cửa cạnh tranh của thương hiệu xe sang này tại Việt Nam lại chính là hệ thống phân phối và dịch vụ hậu mãi.
Đối với Lexus, mặc dù thương hiệu này đã khá được ưa chuộng tại Việt Nam với hơn 6.000 chiếc được nhập khẩu qua các kênh tiểu ngạch, song trước khi thâm nhập qua kênh phân phối chính hãng, đại diện Toyota Việt Nam cũng phải thừa nhận là nếu không phát triển hệ thống dịch vụ tiêu chuẩn và rộng khắp thì cũng không dễ cạnh tranh. Lợi thế của Lexus chính là tiềm lực để xây dựng hệ thống bán hàng và sau bán hàng rộng khắp trên cả nước hiện nay.
Còn Infiniti thì khác. Nhìn vào chính các đối thủ, ngoại trừ Mercedes-Benz và Lexus với thế mạnh là tiềm lực của một liên doanh đã gần 20 năm có mặt thì ngay như Audi và Porsche, sau nhiều năm chen chân trên thị trường đến nay, hệ thống dịch vụ vẫn còn là một điểm yếu với số lượng đại lý đạt chuẩn rất ít.
Mới đây, Trung tâm Infiniti tại TP HCM cũng là đại lý đầu tiên đã được khai trương trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Nhưng “đường dài mới biết ngựa hay” và câu hỏi đặt ra là Infiniti sẽ xây dựng hệ thống phân phối và dịch vụ tại Việt Nam như thế nào trong thời gian tới. Hiện xét trên các yếu tố căn bản này, xem ra Infiniti vẫn đang yếu thế so với các đối thủ của mình.