Tư vấn cho vay tiêu dùng tại một trung tâm điện máy - Ảnh: Tự Trung
Các ngân hàng (NH) và công ty tài chính đang tung ra hàng loạt chương trình để mời chào người dân vay tiền tiêu dùng. Trong khi các NH cho vay với lãi suất (LS) vừa phải nhưng đòi hỏi khắt khe, các công ty tài chính điều kiện thoáng hơn thì LS lại quá cao.
Ngày càng nhiều người vay trả góp tại các công ty tài chính để mua sắm xe, điện thoại, đồ gia dụng... vì thủ tục đơn giản, chỉ cần CMND, hộ khẩu, hợp đồng lao động, sao kê ba tháng lương gần nhất... Thậm chí, khách hàng không chứng minh được thu nhập cũng được cho vay nhưng LS trên trời.
Công ty tài chính: lãi suất 56%/năm
Anh Nam (quận 3) muốn mua chiếc xe Vespa LX 125 3v.ie giá 66,9 triệu đồng nhưng chỉ có hơn 30 triệu đồng. Tìm hiểu tại đại lý bán xe, anh được tư vấn vay tiền qua một công ty tài chính có liên kết với đơn vị bán xe với điều kiện chỉ phải trả trước 40% giá trị xe, tương đương 32,36 triệu đồng. Phần còn lại trả góp trong vòng 12 tháng, mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi tương đương 3,943 triệu đồng.
Tính ra khi trả xong thì giá chiếc xe sẽ tăng lên 79,68 triệu đồng, cao hơn 12,78 triệu đồng so với giá ban đầu. Còn nếu trả góp thời gian ngắn hơn, khoảng sáu tháng, thì số tiền thực tế phải trả cũng lên đến 76,27 triệu đồng, chênh lệch 9,37 triệu đồng.
“Nhân viên tư vấn công ty tài chính nói có hai mức LS cho vay là 16,98%/năm và 32,86%/năm. Mức thấp hơn dành cho người chứng minh được thu nhập, còn tôi do làm nghề tự do, không chứng minh được thu nhập nên chịu mức LS cao hơn. Tuy nhiên, khi tôi hỏi kỹ thì nhân viên công ty tài chính cho biết mức LS 32,68%/năm là tính trên dư nợ gốc, nếu tính theo dư nợ giảm dần thì mức LS thực tế mà tôi phải trả lên đến 56%/năm” - anh Nam cho biết.
Làm hành chính trong một công ty nhỏ tại quận Bình Tân, thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng, do vậy việc để dành mua chiếc laptop giá khoảng 15 triệu đồng với chị Phượng (Bình Tân) là thách thức lớn. Sau nhiều lần cân nhắc, chị quyết định mua trả góp, chỉ thanh toán trước 4,5 triệu đồng, còn lại trả góp trong 12 tháng. Mỗi tháng chị Phượng chỉ trả 1,455 triệu đồng, công ty miễn gốc và lãi tháng cuối cùng. Tuy nhiên, tính ra tổng số tiền phải trả để mua chiếc laptop vẫn lên đến hơn 20,5 triệu đồng, cao hơn gần 37% so với giá gốc. “Biết số tiền phải trả cho món hàng hóa trả góp cao hơn rất nhiều so với trả bằng tiền mặt, nhưng do không kham nổi nên tôi đành chọn cách này” - chị Phượng nói.
Ngân hàng cho vay rẻ, thủ tục khó
Trong khi đó tại các NH LS thấp hơn nhưng nhiều người ngại vay vì thủ tục khó hơn. Thông thường các NH buộc phải chứng minh được thu nhập hằng tháng, tiền lương phải chuyển khoản qua NH. Với vay thế chấp, NH cũng chọn lựa kỹ tài sản thế chấp. Như tại HDBank, nếu vay tín chấp người vay phải có việc làm ổn định và trả lương qua HDBank trong ba tháng gần nhất, số tiền được vay tối đa 200 triệu đồng.
LS thấp nhất đối với khoản vay tín chấp là 12,5%, cao nhất 13,5%/năm tùy số tiền vay và tính trên dư nợ ban đầu. Còn với vay tiêu dùng có thế chấp, LS cho vay “mềm” hơn, tối thiểu là 12,86% và được tính theo dư nợ giảm dần. Tuy nhiên NH chỉ nhận tài sản thế chấp là bất động sản có diện tích trên 30m2, hoặc chung cư nằm trong dự án của HDBank hoặc có liên kết với NH.
Tương tự tại HSBC, LS vay tiêu dùng có thế chấp chỉ 9,5%/năm với vay mua nhà nhưng NH đòi hỏi bất động sản thế chấp phải có giá thị trường từ 800 triệu đồng trở lên, diện tích không nhỏ hơn 30m2, trên đất phải có nhà và phải ở những địa phương mà HSBC có chi nhánh. Nếu căn nhà ở tỉnh thì phải nằm ở trung tâm thành phố, thị xã... Nếu vay tín chấp tại HSBC, LS là 22% tính trên dư nợ giảm dần. Để chắc ăn, nhiều NH chỉ cho người có hộ khẩu ở tỉnh vay nếu có sở hữu nhà, đất tại TP.HCM, lương trên 15 triệu đồng/tháng...
Tránh lãi mẹ đẻ lãi con
Nhiều chuyên gia cho rằng vay tiền mua hàng trả góp cũng là một cách để người tiêu dùng sắm sửa cho mình những món đồ đắt tiền khi chưa có đủ tiền mặt. Nhưng người vay cần tính toán kỹ lưỡng vì chi phí đánh đổi cho khoản vay này không phải rẻ. Ngoài ra cũng chỉ nên mua những vật dụng cần thiết cho công việc hay cuộc sống chứ không nên mua trả góp tràn lan dễ rơi vào cảnh túng thiếu, lãi mẹ sẽ đẻ lãi con.
TS Đinh Thế Hiển nói có nhiều người sau khi vay tín dụng tiêu dùng đã cảm thấy hụt hẫng khi trả nợ với LS khá cao. Lý do là họ không chịu tìm hiểu kỹ sản phẩm vay và luôn có tâm lý thấy có tiền là vay mà ít quan tâm đến việc trả nợ. Theo ông Hiển, đối với người tiêu dùng, điều đáng quan tâm đầu tiên là phải biết nhu cầu thật sự của mình. Nếu đó là nhu cầu chính đáng cần thực hiện ngay, nhưng mình chưa đủ tiền thì việc sử dụng sản phẩm tín dụng tiêu dùng là khá hợp lý.
Tuy nhiên, nếu quyết định vay là do bị hấp dẫn bởi các lời chào mời mà không căn cứ vào năng lực trả nợ của mình thì đa số sẽ cảm thấy áp lực lớn khi phải trả nợ, đôi khi trở nên cực đoan cho mình bị lừa. “Chúng ta luôn cần phải học cách sử dụng đồng tiền và phải là khách hàng thông minh” - ông Hiển nói.
Lãi suất tín chấp cao, vì sao?
Theo các NH, do không phải thế chấp nên bên cho vay rất dễ gặp rủi ro, vì vậy phải đưa LS cao để bù đắp. Một công ty tài chính cho biết có đến vài chục phần trăm người vay vốn không trả hoặc thay đổi địa chỉ, số điện thoại... nên công ty khó thu nợ.
Một điểm mà người vay cần lưu ý khi vay là điều kiện trả nợ trước hạn. NH và công ty tài chính đều tính lãi phạt với khoản trả nợ trước hạn, có công ty áp dụng mức 4% trên số tiền trả nợ còn lại, nhưng không dưới 1,5 triệu đồng. Đôi khi loại phí này buộc người vay phải trả số tiền gần ngang với tiền lãi phải trả khi đáo hạn, do vậy trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay phải tìm hiểu kỹ các điều kiện nhằm tránh những phát sinh không có lợi cho mình. |