Chứng khoán vẫn được đánh giá tích cực
Chỉ số VN-Index trong xu hướng hồi phục từ mức đáy hơn 890 điểm (trong phiên 11/7), thanh khoản tăng nhẹ so với giai đoạn quý II, song vẫn ở mức thấp so với hồi đầu năm.
Giá trị giao dịch bình quân của thị trường chứng khoán trong nước hiện khoảng 5.000 tỉ đồng/phiên, giảm mạnh so với giai đoạn thị trường hưng phấn trong quý I/2018 với thanh khoản nhiều phiên hơn 10.000 tỉ đồng.
Có hay không việc dòng tiền rút từ thị trường chứng khoán chuyển sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn?
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), thị trường chứng khoán có nhiều tín hiệu khả quan trở lại nhưng giao dịch vẫn chưa bùng nổ, một phần xuất phát từ việc khối ngoại đã giảm bớt giá trị giao dịch hơn 20% so với đầu năm.
Một lượng tiền đáng kể cũng đã rút ra khỏi thị trường cổ phiếu niêm yết để đi tìm cơ hội ở thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường bất động sản.
Ngoài ra, theo ông Khanh, một yếu tố quan trọng khiến thanh khoản thị trường cổ phiếu vẫn thấp là nhiều nhà đầu tư vừa trải qua giai đoạn thua lỗ nặng hồi tháng 4, 5, lượng tiền lớn đã mất đi.
Các nhà đầu tư cần có thời gian tích lũy lại lượng tiền và bản thân hoạt động chứng khoán sinh lợi trở lại mới thúc đẩy việc bơm thêm tiền vào thị trường cũng như mạnh dạn sử dụng margin nhiều hơn.
Giai đoạn thị trường giằng co chính là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy những cổ phiếu chiến lược.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho rằng khả năng dòng tiền chuyển từ chứng khoán sang kênh đầu tư khác lúc này là không khả thi, bởi hầu hết các kênh đầu tư khác ở thời điểm hiện nay đều tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chẳng hạn, với kênh bất động sản, thực tế nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận đà tăng trưởng 4,12% và là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 4 năm trở lại đây.
Trước đà tăng này, Chính phủ đang kiểm soát rất chặt chẽ nguồn tín dụng vào kênh này để phòng ngừa hiện tượng “bong bóng” bất động sản. Trong khi đó, kênh đầu tư vàng, ngoại tệ hay tiền ảo… đều nằm trong diện bị kiểm soát, hoặc không khuyến khích nên về cơ bản sẽ gặp rủi ro về chính sách.
Thực tế, kênh đầu tư vàng đã chững lại trong nhiều năm gần đây và hầu hết người dân giữ vàng để dự phòng nhiều hơn là đầu tư, trong khi bất động sản vẫn là kênh đầu tư khá tách biệt với các kênh khác.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm, chứng khoán phái sinh khá mới mẻ tại Việt Nam và sử dụng tỷ lệ margin rất cao, nên dĩ nhiên rủi ro đi kèm cũng tương ứng. Ở kênh đầu tư này, nhà đầu tư cần sự tập trung cao độ, bên cạnh kiến thức đầu tư, kinh nghiệm và thời gian dành cho nó khá lớn.
Ngược lại, chứng khoán cơ sở không sử dụng đòn bẩy cao nên ít rủi ro hơn và nếu xét về dài hạn, thị trường chỉ mới ở mức khởi động tăng trưởng, cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường này vẫn còn nhiều.
Chứng khoán là thị trường trọng tâm được Chính phủ ưu tiên phát triển trong dài hạn, vì vậy, trong thời gian tới sẽ đón nhận thêm nhiều sản phẩm mới cho nhà đầu tư, bên cạnh nhiều nguồn cung mới từ các doanh nghiệp niêm yết mới và thoái vốn nhà nước.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia nhìn nhận chứng khoán vẫn đang là kênh được đánh giá tích cực hơn.
Dòng tiền vẫn chờ cơ hội
Gần đây, các phương tiện truyền thông đề cập nhiều đến con số ước tính khoảng 60 tỉ USD tiền nhàn rỗi trong dân. Theo các chuyên gia, lượng vốn nhàn rỗi rất lớn trong dân này chủ yếu dưới dạng vàng. Câu chuyện làm thế nào để huy động nguồn tiền nhàn rỗi này vào đầu tư phát triển kinh tế đất nước đã được nhiều chuyên gia đưa ra và cho tới nay vẫn chưa có lời giải.
Người dân Việt Nam có thói quen tích trữ vàng và USD từ lâu do lịch sử biến động chiến tranh để lại và cả sự thiếu ổn định của VND với USD. Hiện nay, việc tích trữ vàng trong dân đã giảm bớt do không mang lại hiệu quả đầu tư cao trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, việc giữ USD lại thường rộ lên mỗi khi tình hình giá USD tăng mạnh như đợt vừa qua. Đặc tính chung của người dân là giữ một phần tiết kiệm và vì vậy, việc nắm giữ USD hay vàng là do muốn tìm sự trú ẩn an toàn trong dài hạn. Do đó, chỉ cần Chính phủ tạo ra các kênh đầu tư tốt và an toàn thì tự khắc sẽ huy động được nguồn lực lớn từ dân chúng.
Để bỏ đi thói quen tiết kiệm dưới dạng vàng và USD của người dân, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, cần xây dựng niềm tin về sự ổn định của giá trị tiền đồng trong dài hạn và điều này cần thời gian dài để chứng minh.
Về giải pháp ngắn hạn, Chính phủ cần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững tạo thành một kênh đầu tư hiệu quả và an toàn để người dân có thể lựa chọn và tin tưởng đồng tiền của mình có thể sinh lời. Ngoài ra, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh cần mở rộng và thu hút dòng tiền tiết kiệm của người dân bên cạnh việc gửi tiền vào ngân hàng.
Quay trở lại với câu chuyện dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, sau nhịp điều chỉnh mạnh ở giai đoạn quý II/2018, các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng lớn vào nhịp hồi phục về vùng 970 - 1.000 điểm. Chỉ số VN-Index đang tiệm cận mốc 1.000 điểm, tăng 100 điểm (tương đương 11,5%) trong vòng 2 tháng là mức tăng khá tích cực.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán chưa bùng nổ khi dòng tiền vẫn đang nghe ngóng các diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro phía trước như ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến giữ nguyên lộ trình tăng lãi suất USD.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ số liệu thống kê trên thị trường chứng khoán trong nước. Đó là, trong 5 năm trở lại đây, chỉ có duy nhất năm 2017 duy trì được đà tăng trưởng mạnh của dòng tiền giai đoạn cuối năm, còn lại 4 năm (2013 – 2016), thị trường đều vận động theo hướng điều chỉnh và chỉ bứt phá vào khoảng giữa tháng 12 hay tháng 1 năm sau khi dòng vốn ngoại quay trở lại.
Từ thống kê này, các chuyên gia cho rằng tháng 9, thị trường chứng khoán sẽ biến động theo hướng chờ tin và sự sôi động có lẽ chỉ xảy ra với những cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện mới.
Chọn chiến lược đầu tư nào?
Thực tế cho thấy cơ hội kiếm được lợi nhuận trên thị trường chứng khoán đang ngày càng ít, chưa nói đến nhiều nhà đầu tư còn thua lỗ.
Do vậy, nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị, nếu là nhà đầu tư ngắn hạn, trong giai đoạn này không nên mua đuổi do thị trường đang tiến gần đến các ngưỡng kháng cự mạnh, mà nên cân nhắc chốt lời dần danh mục đã mua trước đó.
Trong khi nhà đầu tư trung và dài hạn nên dành thời gian tìm kiếm các cổ phiếu đạt tiêu chuẩn mà bản thân đề ra trong giai đoạn thị trường tích lũy nhằm đón sóng tăng mới.
Cũng nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn thị trường tăng trong nghi ngờ và giằng co này chính cơ hội để nhà đầu tư tích lũy những cổ phiếu chiến lược, đang được định giá hấp dẫn cho dài hạn.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng, nhà đầu tư có thể tận dụng xu hướng tăng giá ngắn hạn luân phiên làm trụ đỡ thị trường của nhóm cổ phiếu ngân hàng và có vốn hóa lớn.
Tỷ trọng danh mục đầu tư có thể duy trì ở mức 45% - 50% giá trị tài khoản và nên ưu tiên những cổ phiếu có thanh khoản cao cũng như đang thu hút được dòng tiền - Top 10 mã có vốn hóa lớn cũng như các ngân hàng hàng đầu như ACB, MBB hoặc các ngân hàng CTG, VCB, BID với “game” thoái vốn.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên mạnh dạn thực hiện cắt lỗ nếu VN-Index có dấu hiệu đảo chiều và thoái lui xuống dưới mức 970 điểm. Các nhà đầu tư dài hạn nên tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại ở mức 40 - 45% giá trị tài khoản, đồng thời có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục hiện có.