Ngày 13-2, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết vừa triển khai chương trình Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona mới (Covid-19) gây ra.
Theo đó, Nam A Bank giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với cả VNĐ và USD. Chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch).
Đại diện Nam A Bank nhận định DN, hộ kinh doanh sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên ngân hàng đã nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ. Ngân hàng cũng chủ động tư vấn khách hàng để nắm bắt nhu cầu, tìm hiểu tình hình sản xuất và hỗ trợ kịp thời…
Thêm ngân hàng công bố giảm lãi vay, tung tín dụng ưu đãi hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Tấn Thạnh
Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho biết đang tích cực triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong mùa dịch.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm với khoản vay ngắn hạn và từ 8%/năm với khoản vay trung dài hạn.
Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực được ưu đãi lãi vay: sản xuất, kinh doanh sản phẩm dịch vụ dược phẩm, y tế; hoá chất; hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống; thiết bị điện, điện tử, điện lạnh; đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, đầu tư xây dựng bệnh viện, trường học….
Đại diện MB cũng cho biết để chủ động hỗ trợ DN thuộc các lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng - ăn uống, DN có thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc đang gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân hàng sẽ đánh giá dòng tiền, lên phương án cấu trúc giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động kinh doanh.
Đến thời điểm này, đã có nhiều ngân hàng thương mại công bố chương trình giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân, DN đang gặp khó khăn vì dịch bệnh như Vietcombank, VPBank, Kienlongbank; nhiều ngân hàng khác đưa ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để kích cầu, hỗ trợ thị trường, khách hàng…
Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi, rà soát, đánh giá để xem xét điều chỉnh, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ khách hàng cá nhân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ… cho người vay bị tác động bởi dịch.
Doanh nghiệp du lịch “kêu cứu”, xin miễn giảm thuế do dịch Covid-19
Chiều tối 13-2, Hiệp hội Du lịch TP HCM đã có văn bản gửi Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam về kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch trước thiệt hại do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) gây ra.
Trong kế hoạch năm 2020, ngành du lịch Việt Nam hứa hẹn sẽ tăng trưởng khả quan sau khi đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Du lịch TP HCM, ngay từ đầu năm lại xuất hiện dịch Covid-19 không chỉ gây tổn thất nặng nề về mặt kinh doanh, trong thời gian ngắn, ngành du lịch cả nước thiệt hại lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Tại TP HCM, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đang đối mặt nhiều khó khăn khi hầu hết tour đều bị hủy, việc làm và thu nhập cho người lao động tại doanh nghiệp... Thiệt hại lần này lớn hơn rất nhiều so với dịch SARS năm 2003.
Du khách được phát khẩu trang miễn phí ở TP HCM. Ảnh: Lam Giang
"Hiệp hội đã họp khẩn và đề nghị Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ miễn, giảm 50% thuế GTGT; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp như sự hỗ trợ vực dậy kinh tế năm 2009; thời gian áp dụng cho cả năm 2020. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm thuế đất phần không xây dựng trong các khu du lịch; kéo dài thời gian ân hạn và giảm lãi vay ngân hàng" – bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch TP HCM đề xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị miễn thị thực visa cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan... để thu hút, tăng cường nguồn du khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
"Đây là nguyện vọng tha thiết của cộng đồng doanh nghiệp, thiết thực cho sự sống còn của doanh nghiệp" – bà Nguyễn Thị Khánh nói.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM, kể từ khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, lượng khách đến các điểm du lịch trên địa bàn đã giảm từ 30-50%. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cho biết khách liên tục yêu cầu hoãn, huỷ tour và phải hoàn cọc 100% khiến doanh thu bị ảnh hưởng nặng nề...
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá ảnh hưởng của Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, phục vụ cuộc họp của Thường trực Chính phủ mới đây, nêu rõ du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19. Nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm nay là khoảng 2,3 tỉ USD, nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỉ USD...