VnMoney
08/09/2019 10:11

Trước thềm cổ phần hóa, SJC có gì?

Đặc quyền nhưng cũng chính là điểm còn hạn chế đã khiến cho SJC không thể bứt phá nhiều năm qua, trong khi tính dễ tổn thương khi chính sách và thị trường thay đổi cũng thể hiện rõ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, có 93 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, trong đó một cái tên đáng chú ý là công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC.

SJC có gì?

Thành lập năm 1988, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TP HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con như một tập đoàn kinh doanh đa ngành trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh đó là địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ.

Đến tháng 6/2010, công ty này chính thức được chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên.

Theo BCTC mới nhất được công bố, thì đến cuối năm 2018, SJC đang có 37,7 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, 26,4 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết và 132,6 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác; trong đó, phần lớn là vốn đầu tư vào VietABank (123 tỷ đồng).

Hiện SJC đang sở hữu 19 chi nhánh, 5 công ty con và 4 công ty liên kết. Con số này thấp hơn khá nhiều so với 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết mà doanh nghiệp vẫn đang công bố trên website chính thức.

Có thể do cạnh tranh khốc liệt nên trong thời gian qua, doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp hoạt động.

Điều này càng có thể thấy rõ khi nhìn vào kết quả kinh doanh của SJC trong những năm vừa qua.

Theo số liệu có được kể từ năm 2012 (năm đầu tiên SJC chính thức công bố BCTC), doanh thu thuần hàng năm của doanh nghiệp dù vẫn đạt mức cao, hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng lại có xu hướng giảm dần.

Nếu như năm 2011, doanh nghiệp vẫn đạt doanh thu tới hơn 111 nghìn tỷ đồng thì sang năm 2012, con số này chỉ còn hơn 72 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2013, doanh thu tiếp tục sụt giảm mạnh tới hơn 60%, xuống còn hơn 27,6 nghìn tỷ đồng và sau đó dần được cải thiện nhẹ.

Trước thềm cổ phần hóa, SJC có gì? - Ảnh 1.

Cũng cần phải lưu ý, trong giai đoạn này, không chỉ SJC mà rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng phải chịu cảnh doanh thu giảm đáng kể sau khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012.

Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp mới là con số đáng chú ý.

Như trên, mỗi năm, SJC thu về hàng chục ngàn tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh vàng, tuy nhiên, con số lợi nhuận thu về lại vô cùng khiêm tốn, và cũng có xu hướng giảm dần.

Trong đó, giai đoạn “thăng hoa” nhất của doanh nghiệp này là từ năm 2011 - 2013 khi lợi nhuận mỗi năm thu về đạt từ 200 - 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, càng về sau con số này càng sụt giảm mạnh.

Báo cáo tài chính được công bố gần đây nhất cho thấy, kết thúc năm 2018, SJC ghi nhận doanh thu thuần 20.871 tỷ đồng, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ trong khi giá vốn bán hàng giảm chậm hơn khiến biên lãi gộp chỉ còn 0,72%, so với mức 0,75% trong năm 2017.

Mặc dù công ty đã tiết giảm các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, doanh thu tài chính cũng tăng gấp hơn 5 lần cùng kỳ nhưng do không còn khoản hoàn nhập dự phòng tới 75 tỷ đồng như năm 2017 nên kết thúc năm 2018, doanh nghiệp chỉ đạt lợi nhuận sau thuế gần 28 tỷ đồng, giảm tới 66% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là năm doanh nghiệp báo lãi thấp nhất kể từ khi công khai BCTC.

Lợi thế hay hạn chế?

SJC có một đặc quyền lớn là được Ngân hàng Nhà nước giao độc quyền sản xuất vàng miếng và lấy SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Quyết định này nhằm thống nhất và kiểm soát thị trường vàng, giảm tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế...

Tuy nhiên, đây cũng chính là hạn chế của doanh nghiệp khi vàng miếng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu.

Như dữ liệu ở trên, nếu như năm thăng hoa của hoạt động kinh doanh vàng miếng 2011 doanh thu SJC đạt kỷ lục, thì từ năm 2013, khi hoạt động kinh doanh vàng miếng bị siết lại theo chủ trương của Nhà nước, thị trường vàng bớt sôi động và doanh số của Công ty nhanh chóng giảm mạnh, nối dài ở vùng thấp những năm sau đó.

Diễn biến trên một mặt phản ánh hoạt động kinh doanh trước đây phụ thuộc lớn vào mảng vàng miếng, cũng như phản ánh doanh số ở mức thấp những năm sau này chưa tạo được sự dịch chuyển lớn và mạnh sang các phân khúc khác để bù đắp và cân đối lại.

Sự phụ thuộc đó cũng phản ánh sự thụ động và dễ tổn thương trong kinh doanh khi điều kiện chính sách và thị trường thay đổi.

Biên lãi gộp ở mức thấp của SJC, chỉ 0,72% nói trên, cũng phản ánh sự lệ thuộc còn lớn vào phân khúc vàng miếng.

Thông thường, biên lãi gộp của vàng miếng rất thấp, chỉ dao động từ 0,1% đến 0,5%. Điều này có nghĩa, với mỗi lượng vàng bán ra với giá 43 triệu đồng thì doanh nghiệp chỉ có lãi khoảng 43.000 – 215.000 đồng.

Tương tự như SJC, tốc độ dịch chuyển của một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác là Doji cũng khá chậm chạp khi doanh thu vàng miếng, vàng 24k vẫn đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu. Biên lãi gộp hàng năm của doanh nghiệp vì thế cũng khá khiêm tốn, chỉ từ 0,3% đến 0,5% trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2018.

Trong khi đó, nhìn ra thị trường, khi điều kiện kinh doanh bị siết lại và giao dịch vàng miếng không còn sôi động như trước, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành vốn không có được đặc quyền như SJC đã nhanh chân dịch chuyển cơ cấu kinh doanh, và điều này đã mang tới cho họ nhiều cơ hội và kết quả mới.

Còn với SJC, đặc thù Nhà nước sở hữu cũng hạn chế nhất định trong chủ động nguồn vốn - nguồn lực để linh hoạt hơn trong đầu tư và tạo dịch chuyển mạnh sang các phân khúc khác; họ không thể năng động gọi vốn để đầu tư mạnh hơn nữa cho các yêu cầu cạnh tranh.

Thực tế, năm 2013, SJC có nguồn vốn chủ sở hữu 1.658 tỷ đồng, đến 2018 không những không tích lũy được thêm qua nhiều năm mà còn giảm đi chỉ còn 1.453 tỷ đồng. "Có thực mới vực được đạo", nguồn vốn - nguồn lực này tại SJC có lẽ chỉ có thể đổi khác khi cổ phần hóa.

Trước thềm cổ phần hóa, SJC có gì? - Ảnh 2.

Như nhìn sang PNJ, một doanh nghiệp lớn cùng ngành, “sinh” cùng năm với SJC nhưng đã được cổ phần hóa cách đây 15 năm cho thấy hai bức tranh kinh doanh hoàn toàn khác biệt.

Về nguồn lực, nếu nhìn lại năm 2009 - mốc PNJ bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, quy mô vốn chủ sở hữu còn chưa đầy 1.000 tỷ đồng, thì sau đó quy mô này liên tục gia tăng và hiện đã đạt tới trên 4.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ năm 2012, ngay sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, PNJ thực hiện tái cơ cấu chiến lược và bộ máy hoạt động nhằm định hướng lại rõ ràng mục tiêu kinh doanh, tập trung vào mảng kinh doanh trang sức, vốn mang lại biên lãi gộp cao hơn rất nhiều.

Và để thực hiện chiến lược này, công ty đầu tư xí nghiệp sản xuất vàng nữ trang mới với quy mô gấp 3 lần xí nghiệp cũ.

Nhờ đó, kết quả kinh doanh của PNJ bắt đầu có sự chuyển biến rõ rệt. Mặc dù doanh thu có phần khiêm tốn hơn giai đoạn trước nhưng biên lãi gộp lại được cải thiện rõ rệt qua từng năm.

Đến năm 2018, mặc dù doanh thu của PNJ chỉ đạt 14.573 tỷ đồng, chỉ bằng 70% doanh thu của SJC nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt tới 960 tỷ đồng, gấp tới 34,5 lần SJC. Biên lãi gộp cả năm 2018 đạt mức kỷ lục với 19% so với mức chỉ hơn 4% năm 2011.

Trước thềm cổ phần hóa, SJC có gì? - Ảnh 3.

Thực tế, SJC cũng có 2 dòng sản phẩm nữ trang là dòng phổ thông, dòng cao cấp SJC Diagold. Công ty cũng có 1 xưởng sản xuất nữ trang có công suất sản xuất khoảng 500.000 sản phẩm/năm. Tuy nhiên, hướng dịch chuyển và cân đối giữa các phân khúc vẫn chưa cho thấy sự cân bằng và tăng trưởng trở lại, nhất là về lợi nhuận.

Trong thời gian tới, với việc cổ phần hóa, SJC có thể sẽ thu hút được thêm nhà đầu tư và nguồn lực mới vào doanh nghiệp. Từ đó, kỳ vọng SJC sẽ được thổi một luồng khí mới, với nhiều bứt phá lớn để xứng tầm với uy tín, thương hiệu và tiềm lực mà doanh nghiệp này đang có.

Kỳ vọng từ thay đổi qua cổ phần hóa là vậy, nhưng lộ trình thực tế vẫn chưa rõ ràng ngay cả khi đã được ấn định vào năm 2020. Vì, trong năm 2017, kế hoạch cổ phần hóa từng được nhấn mạnh tại đây, nhưng vẫn không thể triển khai cho đến nay.

Theo Trần Thúy (Bizlive)
PNJ khẳng định vị thế “đầu tàu” ngành bán lẻ về đóng góp ngân sách

PNJ khẳng định vị thế “đầu tàu” ngành bán lẻ về đóng góp ngân sách

Sản xuất - Kinh doanh 18:23

PNJ khẳng định vị thế doanh nghiệp bán lẻ trang sức hàng đầu không chỉ qua những con số ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận, mà còn bằng việc tiên phong trong hành trình phát triển bền vững.

Tuổi trẻ Khatoco lan tỏa văn hóa doanh nghiệp qua ngày hội sôi động

Tuổi trẻ Khatoco lan tỏa văn hóa doanh nghiệp qua ngày hội sôi động

Nhịp sống 18:20

Đoàn viên thanh niên Khatoco đã có những trải nghiệm đáng nhớ khi hòa mình vào không khí sôi động của Ngày hội Văn hóa doanh nghiệp Thanh niên Khatoco tại Công viên Du lịch Yang Bay

Bánh AFC chính thức hợp tác cùng hệ thống California Fitness & Yoga

Bánh AFC chính thức hợp tác cùng hệ thống California Fitness & Yoga

Tiêu dùng 12:22

Các sản phẩm bánh dinh dưỡng của AFC được trưng bày rộng rãi tại khu vực CaliFresh ở 35 trung tâm California Fitness & Yoga trên toàn quốc.

Co.opmart đồng hành người dân sau bão

Co.opmart đồng hành người dân sau bão

Nhịp sống 15:12

Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi, tối vừa qua, Co.opmart đã huy động lực lượng nhân viên túc trực tại đơn vị, gia cố từng vị trí, giữ điểm bán an toàn.

Ducati và YBA mang sách đến Đồng Tháp, thắp sáng ước mơ tuổi thơ

Ducati và YBA mang sách đến Đồng Tháp, thắp sáng ước mơ tuổi thơ

Thị trường 18:35

Từ ngày 7 đến 8-9, chuyến Caravan Về nguồn TP HCM - Đồng Tháp được tổ chức bởi Hội Ducati TP HCM - Liên đoàn Xe thể thao TP HCM và Chi hội Chợ Lớn thuộc Hội Doanh nhân trẻ TP HCM (YBA) đã diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp

Co.opmart tinh giản để vào khu dân cư

Co.opmart tinh giản để vào khu dân cư

Doanh nghiệp 17:00

(NLĐO) - Ngày 6-9-2024, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) chính thức tổ chức lễ khai trương Co.opmart Phạm Thế Hiển tại quận 8, TP HCM. Trước đó, từ cuối tháng 8, siêu thị này đã mở cửa hoạt động, phục vụ gần 1.000 hộ dân chung cư Green River và người dân khu vực lân cận.

Món quà ý nghĩa ngày khai giảng

Món quà ý nghĩa ngày khai giảng

Nhịp sống 15:47

Duy Tân tặng quà mừng năm học mới cho thầy cô và học sinh tại các trường tiểu học ở Hà Nội