Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ thu mua tro xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để sản xuất gạch không nung, vật liệu xây dựng. Đây được coi là lời giải cho nút thắt bài toán nguy cơ ô nhiễm môi trường của điện than mà dư luận lo lắng lâu nay. Trong khi mới chỉ có một vài doanh nghiệp đứng ra thu mua thải xỉ của nhà máy nhiệt than phía Nam và đang trong quá trình chờ phê duyệt từ cấp có thẩm quyền, thì tại miền Bắc đầu ra của tro xỉ có vẻ khả quan hơn.
Tại khu vực thải tro xỉ của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, mỗi ngày đều đặn những chiếc xe bồn của 4 đơn vị thầu bao tiêu mua gom tro xỉ của nhà máy túc trực chờ chở tro xỉ nhà máy này thải ra.
Ông Trần Hữu Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, cho biết ban đầu khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đưa vào hoạt động (từ năm 2011) thì tro xỉ là vấn đề nóng bỏng, bởi mỗi năm nhà máy thải ra khoảng 1-1,5 triệu tấn tro xỉ, trong khi đó hồ chứa xỉ chỉ thiết kế khoảng 10 năm nếu không xử lý sẽ đầy và nhà máy sẽ không thể hoạt động được.
Các đơn vị đang khai thác, gom tro xỉ tại hồ chứa xỉ thải Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: HT
Cách đây 2 năm nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ tro xỉ cho các đơn vị để làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu trộn bê tông, xi măng... "Lúc đầu, chúng tôi bán kiểu tự do, ai vào cũng bán, lúc đấy quản lý khó, xuất hiện tình trạng tranh giành nhau mua tro xỉ. Sau đó công ty có chính sách bao tiêu, thu gọn các nhà thầu có năng lực lại, họ tự phân phối thì trật tự lại ngay. Lúc này tính toán cũng dễ, không cần cân đong mà tính qua lượng than tiêu thụ theo năm, mỗi năm tiêu thụ bao nhiêu than thì ra bấy nhiêu tiền tro xỉ cũng tiện lợi hơn cho công tác quản lý", ông Nam nói.
Tất cả lượng tro được chở bằng hệ thống xe bồn kín để vận chuyển tới nơi tiêu thụ. Hiện tại 100% lượng tro xỉ nhà máy thải ra đã được bao tiêu hết. Với mức giá dao động theo chất lượng tro xỉ mỗi đợt khoảng 10.000-18.000 đồng một tấn, Chủ tịch Công ty nhiệt điện Hải Phòng ước tính, năm 2016 đơn vị này thu được khoảng 2-3 tỉ đồng tiền bán tro xỉ, số tiền tuy không lớn nhưng giúp doanh nghiệp có kinh phí để "quay vòng đầu tư cho môi trường nhà máy".
"Chúng tôi không đặt nặng vấn đề doanh thu từ việc bán tro xỉ này, mà mấu chốt là đã giải quyết được bài toán đầu ra cho chất thải của nhà máy", lãnh đạo Nhiệt điện Hải Phòng chia sẻ.
Riêng hồ chứa thải xỉ chỉ còn khoảng 1 triệu tấn và đang được 2 đơn vị bao tiêu. "Sau 3 năm nữa toàn bộ tro xỉ trong hồ chứa sẽ được xử lý hết, và hồ sẽ chỉ còn lại phần lớn là nước", ông Nam cho biết thêm.
Hiện nay, cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động với công suất phát gần 14.500 MW, mỗi năm thải khoảng 15 triệu tấn tro xỉ, trong đó lượng tro chiếm 75%. Dự kiến sau năm 2020, lượng tro xỉ thải ra hơn 30 triệu tấn một năm. Về nguyên tắc, tro xỉ có thể được sử dụng như phụ gia sản xuất xi măng, sản xuất bê tông, gạch không nung và các loại vật liệu xây dựng khác.
Hồi giữa tháng 4, Thủ tướng ban hành Quyết định số 452, phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hoá chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Theo đó, đến năm 2020 các nhà máy phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích lũy (khoảng 75 triệu tấn, bao gồm 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện; 19 triệu tấn thạch cao).
Phó giáo sư, Tiến sỹ Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kĩ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng, để người dân yên tâm, các nhà máy nhiệt điện cần chứng minh được tro, xỉ khi đưa ra bãi thải không phải là chất thải nguy hại; đảm bảo không phát tán các kim loại nặng ra môi trường. Trong quá trình vận chuyển chất thải phải che, đậy, phủ bạt kín, tránh phát tán bụi ra môi trường...