Sau lần gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gần 10 năm trước, chuyến này cũng thế, TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) là đấu trường mới của DN Việt. Ai cũng biết càng ra biển lớn càng rủi ro nhiều song DN Việt vẫn sẵn sàng đương đầu. Điều họ ngán ngại hơn cả không phải là cạnh tranh từ bên ngoài mà là những lực cản từ bên trong.
Đó là sự trì trệ, sách nhiễu của hệ thống công vụ liên quan sát sườn đến hoạt động của cộng đồng DN. Kinh doanh vốn đã khó khăn, giữa thời buổi kinh tế chưa hết suy thoái và còn trong tình trạng thiếu ổn định, lại gặp phải sự “hành hạ” của những cán bộ công quyền biến chất thì sống sao nổi! Tôi đi nhiều nước trên thế giới, thấy hiếm có nơi nào tốn phí “bôi trơn” nhiều như ở Việt Nam. Không “bôi” thì không “trơn”, nghĩa là không làm được gì. Một DN mỗi năm phải “tiếp” hơn chục đoàn thanh - kiểm tra với đủ thứ khoản vòi vĩnh thì còn đâu nguồn lực để tồn tại, chưa nói đến chuyện cạnh tranh. Thế nên, DN nào đã lao đao rồi thì chỉ muốn đóng cửa mà thôi!
Ông Nguyễn Lâm Viên. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Những cải cách từ bên trong mà nhà nước nỗ lực thực hiện trước nay liệu có đủ để thay đổi được tình hình đó? Theo tôi thì chưa. Phải có sức ép từ bên ngoài nữa.
Sức ép đó đến từ TPP. Nhiều cam kết trong thỏa thuận mà Việt Nam đã ký với 11 đối tác trong TPP buộc chúng ta phải thay đổi thể chế theo hướng công khai hơn, sòng phẳng hơn. Bộ máy công chức phục vụ DN buộc phải trong sạch; hành lang pháp lý phải cấp tiến và rõ ràng; quyền và những giá trị về sở hữu trí tuệ được tôn trọng tuyệt đối, đó chính là những điều mà cộng đồng DN mong mỏi từ TPP. Giữa một sân chơi minh bạch, DN không sợ phạm luật, chỉ lo phải làm sao để nâng cạnh tranh, tăng lợi nhuận mà thôi.
Doanh nhân Việt Nam có truyền thống thông minh, kiên trì và tinh thần dân tộc rất cao. Những giá trị Việt luôn được chúng tôi chủ động tích hợp trong kế sách kinh doanh và trong từng sản phẩm. Vinamit tự hào khi trong chuỗi dài lịch sử gần 30 năm của công ty đã gắn bó chặt chẽ với người Việt, tạo ra hàng triệu việc làm, nâng cao giá trị gia tăng và đưa nông sản Việt bay khắp thế giới. Không riêng Vinamit, nhiều DN Việt cũng thấm đẫm tinh thần đó, cũng đã - đang và tiếp tục theo đuổi truyền thống đó.
Vào TPP, chúng tôi tin rằng DN sẽ được sự đồng hành thật sự của thể chế. Khi ấy, với dũng khí sẵn có, hãy tin DN Việt sẽ phất cao ngọn cờ dân tộc trên đấu trường kinh tế thế giới.