Theo giới phân tích, đồng USD tăng giá liên tục những ngày qua là do kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng hơn 6 năm qua. Trong khi đó, các quốc gia tại châu Âu lại bắt đầu triển khai chương trình nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế tăng trưởng. Mặt khác, thị trường cũng dự báo nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới khiến vị thế của USD được nâng lên.
Tại Việt Nam, tỉ giá USD/VNĐ cũng chịu tác động đáng kể trước sức mạnh của đồng bạc xanh. Giá mua bán USD tại các ngân hàng (NH) thương mại rục rịch đi lên. NH TMCP Ngoại thương, NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... tăng giá mua- bán ngoại tệ thêm 5 đồng/USD cán mức 21.335 -21.385 đồng/USD (mua vào-bán ra). Trong khi đó, NH Á Châu (ACB) và NH Xuất nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) cùng nâng giá giao dịch ngoại tệ lên 10 đồng /USD, niêm yết ở mức mua vào 21.320 đồng /USD, bán ra 21.390 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, một số tiệm vàng mua vào 21.650 đồng/USD, bán ra 21.720 đồng/USD, có nơi bán ra lên tới 21.750 đồng/USD, cao hơn giá bán của NH trên 400 đồng/USD
Chủ một tiệm vàng trên địa bàn quận 2, TPHCM cho biết giá USD tăng mạnh trong mấy ngày qua nên buộc phải kéo giãn chênh lệch mua vào - bán ra hơn 100 đồng/USD.
“Giá USD biến động liên tục và tiệm tôi cập nhật hàng giờ nên không biết được những ngày tới giá sẽ thay đổi theo hướng nào” - chủ tiệm vàng này thông tin.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết tỉ giá USD đang trỗi dậy chủ yếu là biến động trên thị trường tự do, có thể do yếu tố tâm lý xuất phát từ tin đồn tăng tỉ giá. Về phía các NH thương mại, cung cầu ngoại tệ vẫn đảm bảo và mọi nhu cầu về ngoại tệ chính đáng của người dân đều được đáp ứng. Theo ông Minh, tại thời điểm này nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp cũng không nhiều.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy cán cân thương mại 2 tháng đầu năm 2015 là cân bằng, cụ thể: kinh ngạch xuất khẩu đạt 23 tỉ USD và nhập khẩu cũng ở con số này.
Thế nhưng, cách đây khoảng 1 tuần, một số chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, thuộc ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) khuyến nghị NH Nhà nước chủ động phá tiền đồng từ 3%-4% trong 2-3 năm tới. Với biên độ điều chỉnh từ 1%-1,5% để trả lại sức cạnh tranh cho hàng nội địa và nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, đề xuất này đã được nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần thận trọng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Từ đầu năm 2015, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định năm nay sẽ điều chỉnh tỉ giá linh hoạt nhưng biên độ điều chỉnh sẽ không quá 2% và đã điều chỉnh tăng 1% tỉ giá liên NH lên mức 21.458 đồng/USD, nên biên độ điều chỉnh tỉ giá còn lại của năm nay chỉ là 1%.